Trong phần 2, chúng ta tìm hiểu về cơ sở hình thành cũng như kỹ thuật của NLP cơ bản.
Nếu như liệu pháp thôi miên (hypnotherapy) vẫn còn là một thuật ngữ xa lạ với nhiều người Việt, kể cả với những người thực hành tâm lý, thì Lập trình Ngôn ngữ Tư duy (Neuro Linguistic Programming – NLP) lại được biết đến nhiều hơn qua nhiều cuốn sách được xuất bản, các khóa học, và ứng dụng trong Khai vấn (Coaching) doanh nghiệp cũng như trong nhiều lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng NLP lại được phát triển với nền tảng và kỹ thuật được ảnh hưởng rất nhiều từ thôi miên trị liệu! Vậy, NLP là gì? Đâu là những cơ sở và kỹ thuật của NLP căn bản, và NLP có thể trợ giúp cho ta trong những vấn đề nào?
Trong chuỗi bài viết giới thiệu về NLP, House of Hypnosis sẽ trình bày một số kiến thức tổng quan về NLP, lịch sử phát triển, kỹ thuật, phân biệt với các trường phái thôi miên, cũng như ứng dụng của NLP hiện nay.
Để tìm hiểu về lịch sử phát triển của NLP, bạn có thể đọc bài viết Phần 1: Giới thiệu về Lập trình Ngôn ngữ Tư duy (NLP) tại đây.
Nguyên tắc đằng sau phương pháp NLP
NLP hoạt động trên nền tảng cho rằng: Chúng ta có thể không kiểm soát được tất cả mọi thứ xảy ra trong cuộc sống, nhưng chúng ta luôn có khả năng kiểm soát được những gì diễn ra trong tâm trí chúng ta.
Những suy nghĩ, cảm xúc và tâm trạng không phải là điều chúng ta “có”, mà là điều chúng ta “làm”. Nguyên nhân gốc rễ của chúng thường khá phức tạp, có thể bao gồm như, ví dụ, những bình luận hoặc niềm tin của cha mẹ, thầy cô giáo của bạn, hoặc những biến cố bạn từng trải qua.
Kỹ thuật NLP cho phép con người kiểm soát những niềm tin và ảnh hưởng từ bên ngoài, từ đó giúp ta thay đổi cách suy nghĩ và cảm nhận về những sự kiện trong quá khứ, nỗi sợ hay một số chứng ám ảnh sợ hãi (phobia).
“You can’t always control what happens, but you can always control how you deal with it.”
Richard Bandler, Alessio Roberti and Owen Fitzpatrick, How to Take Charge of Your Life: The User’s Guide to NLP
Cơ sở của NLP (Presuppositions)
NLP được phát triển dựa trên một số giả định chính bao gồm:
Bản đồ không phải là lãnh thổ | The map is not the territory – Everybody has a different ‘map’ of the world

“Bản đồ không phải là lãnh thổ” (The map is not the territory) là một khái niệm cho rằng cách ta nhìn nhận thế giới không phải là thực tại khách quan. Chúng ta liên tục phản hồi với “thực tại” là một thế giới được chính ta “thiết kế” trong tâm trí (an internalized map of reality). Cách ta tái trình diện lại sự vật, sự việc là cách diễn giải của riêng ta, và cách diễn giải này có thể chính xác một phần hoặc không hề chính xác.
Mọi tấm “bản đồ” đều có những sai lệch nhất định. Một tấm bản đồ vẽ một con đường sẽ cần có kích thước và độ chi tiết như một con đường trên thực tế. Thông thường, một tấm bản đồ về thế giới trong tâm trí chúng ta chỉ là một tấm bản đồ giản lược với những gì ta cho là quan trọng sẽ xuất hiện trong đó.
Nếu ta có một tấm bản đồ không đầy đủ, ta không thể thấy hết những lựa chọn khả thi và cơ hội cho bản thân. Remapping là một chiến lược quan trọng có thể giúp ta giải quyết vấn đề này. Ngôn ngữ của chúng ta cho ta thấy được tấm “bản đồ” và những mô hình ta đang sử dụng để định hướng hành vi hằng ngày. Giao tiếp là một phương thức giúp ta giải thích về thế giới với người khác và cho chính chúng ta, và đây cũng là một con đường quan trọng để thực hành các kỹ thuật NLP, chẳng hạn như Siêu mô hình (Meta model), giúp ta remap thế giới quan đang có.
Có bao nhiêu cá nhân thì sẽ có bấy nhiêu thực tại, là bấy nhiêu tấm “bản đồ” khác nhau về thế giới. Vì vậy, để sửa đổi niềm tin, đối phó với những nỗi sợ hãi, NLP giúp ta xem xét tình huống từ các góc độ khác nhau để tìm ra cơ hội, những “điểm mù” và từ đó khắc phục.
Ai cũng có thể đạt được mục tiêu của mình
Giả định này vừa lạc quan vừa mang lại sức mạnh. Trong NLP, giải pháp cho tất cả các vấn đề của một người được coi là nằm trong chính họ. Vì vậy, vai trò của khai vấn viên (coaching) hoặc nhà thực hành NLP không phải là đặt ra các giải pháp, mà là giúp khách hàng hướng tới mục tiêu của chính mình.
Cơ thể và trí óc: Vòng lặp điều khiển học
Kỹ thuật của NLP có điểm chung với các liệu pháp toàn diện, xem xét cơ thể – tâm trí như một tổng thể. Cụ thể hơn, đây là một hệ thống mà thông tin luân chuyển theo cả hai hướng: Tâm trí và cảm xúc tác động đến cơ thể và ngược lại. Những chỉ dấu trong hành vi (behavioral cue) trên cơ thể phản ánh cách ta vận hành tâm trí, do đó việc tiếp cận và sửa đổi một chỉ dấu hành vi cụ thể có thể tác động lên tư duy của chúng ta.
Đây là lý do tại sao nhiều kỹ thuật NLP dựa trên sự quan sát và thay đổi về sinh lý. Ví dụ, một người có thể học cách sửa đổi tư thế hoặc nhịp thở của mình, để đạt được trạng thái tinh thần mong muốn.
Không tồn tại sự thất bại
Điều này có nghĩa là nếu một người không phải lúc nào cũng đạt được điều họ muốn, họ vẫn luôn nhận được phản hồi về chiến lược mà họ sử dụng để đạt được điều đó. Do đó, đây không phải là một thất bại: Thất bại duy nhất là từ bỏ.
Lợi ích điều trị của giả định này là loại bỏ cảm giác tội lỗi khỏi khách hàng, đồng thời khiến người đó có trách nhiệm: Ta phải thay đổi chiến lược của mình cho đến khi đạt được mục tiêu.

Ý định tích cực | Behind every behavior is a positive intention
Trong NLP, tất cả các hành vi, ngay cả những hành vi có hại, được cho là được thúc đẩy bởi một ý định tích cực.
Ví dụ, những người nghiện thường có ý định tích cực là tìm kiếm sự thoải mái, bản thân việc hút thể hiện nhu cầu được yêu thương hoặc an toàn. Những nhu cầu này thường đến từ vô thức, giải thích được cho ta sự lặp lại của hành vi tiêu cực, khi họ vẫn ý thức được những tác hại và hậu quả từ việc nghiện hút.
NLP có thể giúp ta nâng cao nhận thức về ý định tích cực đằng sau những hành vi tiêu cực. Điều này cho phép khách hàng tìm kiếm những phương thức khác lành mạnh hơn để thỏa mãn ý định này.
Hành vi của một người không phải là danh tính của họ
Một trong những nguyên tắc chính của NLP là phân biệt người đó với hành vi của họ. Vấn đề không bao giờ nằm ở việc là bạn là ai, mà là bạn làm gì. Quan điểm này tạo điều kiện cho sự thay đổi, bằng cách từ chối phân loại và cố định cá nhân vào các kiểu định danh khác nhau.
Do NLP sử dụng nhiều ngôn ngữ, nguyên tắc này được phản ánh trong việc lựa chọn các cách diễn đạt được nhà thực hành sử dụng. Ví dụ, cách diễn đạt một người thích uống rượu tốt hơn là một người nghiện rượu, hoặc một người có những suy nghĩ lo lắng, thay vì lo lắng. Kỹ thuật NLP có thể tách danh tính của khách hàng ra khỏi các vấn đề của anh ta.
Một số kỹ thuật của NLP
NLP có nhiều công cụ giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Những kỹ thuật này huy động năm giác quan, thông qua ngôn ngữ hoặc suy nghĩ, để sửa đổi cách thể hiện thế giới và hành vi của bạn. Một số kỹ thuật của NLP được truyền cảm hứng từ thôi miên phân ly (dissociative hypnotherapy).
Mô hình Milton (Milton-model)

Mô hình Milton trong NLP là các khuôn mẫu ngôn ngữ (language pattern) được sử dụng để giúp khách hàng tạo ra những thay đổi và giải quyết được vấn đề theo đúng cách họ mong muốn. Kỹ thuật này có thể được sử dụng để dẫn nhập vào trạng thái trance, hoặc các trạng thái biến đổi của ý thức khác, giúp người thực hành NLP có thể tiếp cận nguồn tài nguyên dồi dào trong vô thức của chính họ.
Mô hình Milton còn được mô tả như “một ẩn dụ cho những lời ám thị mơ hồ điêu luyện”. Tên gọi Milton được lấy từ tên của nhà thôi miên trị liệu lỗi lạc Milton H. Erickson. Kỹ thuật này được ảnh hưởng bởi các di sản từ nhà trị liệu thôi miên nói trên, tuy nhiên ta cần lưu ý rằng Mô hình Milton là một kỹ thuật của riêng phương pháp NLP, không liên quan gì tới Milton Erickson.
Đọc thêm bài viết giới thiệu về Milton H. Erickson – người đặt nền móng cho thôi miên trị liệu hiện đại tại đây.
Mô hình Milton cũng bao gồm các phương pháp như “yes set” (một loạt các lời khẳng định hiển nhiên, theo sau là một ám thị), với mục tiêu là đạt được sự chấp thuận của khách hàng, hay thậm chí một lựa chọn ảo, bao gồm việc gợi ý một suy nghĩ hay một hành vi, dưới vẻ ngoài của một sự lựa chọn.
Siêu mô hình (Meta-model)
Siêu mô hình (Meta-model) là một kỹ thuật được những người sáng lập NLP trực tiếp phát minh. Kỹ thuật này còn được hiểu như là một “nghệ thuật đặt câu hỏi”, bao gồm việc làm rõ vấn đề của khách hàng để đạt được nhận thức về sự xuyên tạc thực tại của anh ta.
Siêu mô hình bắt đầu từ định đề rằng ngôn ngữ không phải là thực tại (“bản đồ không phải là lãnh thổ”) và tất cả chúng ta đều vô thức thực hiện “vi phạm ngữ nghĩa” làm sai lệch hay bỏ sót một phần của thực tại.
Siêu mô hình phân loại những “vi phạm ngữ nghĩa” này thành ba loại lớn:
- Sự bỏ sót (Deletion) – Một số điều quan trọng bị bỏ “ra rìa” khỏi câu nói. Điều này làm hạn chế suy nghĩ và hành động của chúng ta;
- Sự khái quát hóa (Generalizations) – Chúng ta phân loại hoặc phân lớp cho những ví dụ đơn lẻ bằng kỹ thuật chunking (sắp xếp các thông tin thành từng nhóm hay từng đoạn – chunk);
- Sự biến dạng (Distortion) – Thông tin bị bóp méo khiến ta tự giới hạn những lựa chọn của bản thân, dẫn đến những vấn đề (và những nỗi đau) không đáng có.
Bằng cách chỉ ra cho khách hàng việc lạm dụng ngôn ngữ của mình, nhà thực hành cho phép khách hàng thay đổi cách nhìn nhận tình huống của bản thân.
Ta có thể phân biệt Siêu mô hình và Mô hình Milton như bảng phía dưới. Hiểu ngắn gọn thì Mô hình Milton được sử dụng để dẫn nhập vào trạng thái trance, còn Siêu mô hình giúp ta đưa khách hàng ra khỏi trạng thái trance.
Mô hình hóa (Modelisation – NLP Modeling)
Mô hình hóa là một kỹ thuật quan trọng của NLP. Nó liên quan đến việc lấy cảm hứng từ những người xuất sắc trong lĩnh vực của họ, từ đó áp dụng chiến lược thành công của họ vào những tình huống mà bạn quan tâm. Điều quan trọng không phải là nội dung cụ thể về những gì người đó làm, mà là cách người đó thực hiện nó, tức là cấu trúc mà họ thực hiện.
Đó cũng là mô hình đã sinh ra NLP, khi Bandler và Grinder bắt đầu quan tâm đến các chiến lược “giành chiến thắng” của các nhà trị liệu vĩ đại.
Trong suốt buổi học, nhà thực hành có thể gợi ý rằng bạn nên lấy cảm hứng từ những người xung quanh hoặc các chuyên gia nổi tiếng, để áp dụng một chiến lược mới nhằm đạt được mục tiêu của mình. Theo truyền thống, NLP thường lấy hình mẫu của các nghệ sĩ, vận động viên thể thao hoặc nhà khoa học vĩ đại. Cấu trúc tuyệt vời của suy nghĩ và hành động của họ có thể được chuyển tiếp cho hầu hết các loại vấn đề.
Mô hình hóa có thể được thực hiện dưới hình thức quan sát, phỏng vấn (bạn đặt một loạt câu hỏi cho người được chọn để tìm ra chiến lược của họ) hoặc cả hai. Mọi người cũng có thể tự làm mẫu bằng cách chuyển đổi kỹ năng của mình, từ lĩnh vực mà họ đã làm xuất sắc sang lĩnh vực mà họ muốn tiến bộ.
Thả neo (Anchoring)

Kỹ thuật thả neo rất gần với điều kiện hóa (Conditioning) của nhà khoa học Pavlov, đã khiến một con chó tiết nước bọt bằng cách kết hợp âm thanh của chuông và hành động cho nó ăn.
Kỹ thuật này bao gồm việc kết hợp một phản ứng bên trong (cảm xúc, suy nghĩ) với một tác nhân bên trong hoặc bên ngoài (kích thích). Cụ thể, đó là sử dụng một hình ảnh, một cử chỉ hoặc một lời nói, để kích hoạt một hành vi hoặc trạng thái mong muốn (thư giãn, tổ chức, thêm động lực, v.v.).
Thả neo là một kỹ thuật mạnh mẽ được gắn với thôi miên. Đặc biệt, nó được ứng dụng tích cực trong điều trị chứng nghiện: Đối tượng của chứng nghiện sẽ được gắn liền với những tình huống gây ra sự ghê tởm, ở trong trạng thái trance.
Một số trải nghiệm có thể đã vô tình tạo ra những “mỏ neo” trong tâm trí chúng ta. Đó cũng là cách mà một số cảm xúc tiêu cực, nỗi sợ hoặc hội chứng ám ảnh sợ hãi (phobia) bắt đầu. Ta có lựa chọn để duy trì trạng thái đó, hoặc sử dụng các kỹ thuật NLP như thả neo để thay đổi cách ta cảm nhận. Bạn có thể “thả” neo khi bạn kích hoạt 2 cái “neo” cùng một lúc (một cái cũ gắn với trải nghiệm tiêu cực và một cái mới gắn với trạng thái tích cực), từ đó thay đổi trạng thái tâm trí theo hướng tốt hơn.
Các bước cơ bản trong kỹ thuật thả neo bao gồm:
- Gợi nhớ lại một sự kiện, trải nghiệm thật rõ ràng, sống động;
- Thả neo – đưa ra một kích thích cụ thể
- Thay đổi trạng thái tâm trí
- Kiểm tra (sắp đặt để tạo ra kích thích, từ đó cải thiện trạng thái tâm trí).
Tái định khung (Reframing)

Tái định khung (Reframing) là một kỹ thuật bao gồm việc suy nghĩ khác đi về sự vật, sự việc như là gán cho chúng những ý nghĩa hoặc nhìn nhận từ góc độ mới, từ đó giải phóng bản thân khỏi những suy nghĩ tiêu cực.
2 kỹ thuật tái định khung chính được biết đến nhiều nhất là:
- Tái định khung 6 điểm, sử dụng định đề về ý định tích cực (positive intention), nhằm đề xuất các hành vi mới
- Tái định khung ý nghĩa, thay đổi quan điểm nhằm biến một niềm tin tiêu cực thành một niềm tin tích cực
The problem is not the problem. The problem is your attitude about the problem. Do you understand?
Captain Jack Sparrow
Sự phân ly (Dissociation)
Kỹ thuật phân ly (Dissociation) có thể rất hữu ích với những người có xu hướng để cảm xúc tiêu cực lấn át mình. Kỹ thuật này bao gồm việc hình dung tình huống gây ra cảm xúc khó chịu (Ví dụ: phỏng vấn xin việc, đi thang máy) và đặt bản thân mình ở đó như một người quan sát. Ta học cách tách bản thân khỏi các tình huống và sửa đổi các phương thức để thay đổi phản ứng cảm xúc.
Đây là một kỹ thuật phổ biến trong thôi miên, được ứng dụng cho nhiều vấn đề khác nhau bao gồm chứng sợ hãi, sợ nói trước đám đông, chứng xúc động thái quá,…
Chuyển động mắt (Eye Accessing Cues/ Eye Movement)

Phương pháp NLP sử dụng chuyển động của mắt để xác định chiến lược của các cá nhân và tạo ra những chiến lược mới.
Thật vậy, chuyển động của mắt đã được chứng minh là một chỉ số cho hệ thống đại diện và biểu trưng bên trong. Do đó, sự quan sát chuyển động mắt có thể giúp nhà thực hành NLP hiểu được điều gì đang dậy lên trong khách hàng. Ngoài ra, nhà thực hành có thể sử dụng chuyển động của mắt như một đòn bẩy để mang lại những hình ảnh biểu trưng và đại diện mới.
Kết luận
Có thể nói NLP là một quá trình, một nhóm kỹ thuật giúp người thực hành cải thiện kỹ năng giao tiếp với chính bản thân và người khác, từ đó tác động tới hành trình phát triển cá nhân. Lợi ích của phương pháp này bao gồm thay đổi tích cực cách ta tiếp nhận về thế giới, cải thiện kỹ năng giao tiếp, trở nên ý thức với những quá trình nội tâm, và tạo ra những thói quen mới theo ý muốn.
So với nhiều phương pháp hỗ trợ tâm lý khác, NLP có lịch sử phát triển tương đối “trẻ”. Lập trình Ngôn ngữ Tư duy có thể được thực hành như một kỹ thuật bổ sung cho tác dụng của nhiều liệu trình trị liệu tâm lý, y khoa, cũng như trong một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, với những nghiên cứu khoa học còn hạn chế, cùng việc quản lý và cấp chứng chỉ thực hành NLP chưa rõ ràng, có thể nói tác dụng của NLP vẫn cần thêm thời gian và những bằng chứng thuyết phục để kiểm chứng.
Tham khảo
- Alexandra Bensoussan (2020, 5 February). PNL et hypnose : définition et principes. https://doctonat.com/pnl-hypnose/
- © SkillsYouNeed (2017) https://www.skillsyouneed.com/ps/nlp.html
- Morgan Mandriota (2021, 7 October). All About the Basics of Neurolinguistic Programming (NLP). https://psychcentral.com/health/neurolinguistic-programming-nlp#uses-of-nlp
- NLP Mentor. The Map is not the Territory. https://nlp-mentor.com/map-is-not-the-territory/
- Michael Pasterski (2014, 14 February). The Basic Assumptions of NLP. https://pasterski.com/2014/02/basic-assumptions-nlp/
- NLP Academy. What is NLP? https://www.nlpacademy.co.uk/what_is_nlp/
- NLP Mentor. NLP Presuppositions – basic beliefs and assumptions. https://nlp-mentor.com/presuppositions/
- © 2022 Excellence Assured. https://excellenceassured.com/nlp-training/nlp-resources/milton-model
- © 2022 Excellence Assured. https://excellenceassured.com/nlp-training/nlp-resources/meta-model
- © 2022 Excellence Assured. https://excellenceassured.com/nlp-training/nlp-resources/deep-structure#
- dailyNLP. NLP MODELING: The Ultimate Guide. https://dailynlp.com/nlp-modeling/
- © 2022 Excellence Assured. https://excellenceassured.com/nlp-training/nlp-resources/anchoring-nlp
- Lori Jazvac (2022, 1 April). The Power of Reframing: Helping Clients Think Differently About Work. https://careerprocanada.ca/the-power-of-reframing-helping-clients-think-differently-about-work/
Về House of Hypnosis
House of Hypnosis Vietnam là dự án phi lợi nhuận thành lập đầu năm 2022. Chúng tôi hướng tới việc nâng cao nhận thức của người trẻ Việt về các vấn đề sức khỏe tâm lý – tâm thần nói chung, và xóa bỏ định kiến về trị liệu thôi miên tâm lý.
Thôi miên là một hình thức trị liệu vốn mang nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu được thực hành đúng dưới sự can thiệp của nhà trị liệu chuyên nghiệp, chúng tôi tin đây là một giải pháp tích cực, mang lại hiệu quả cho việc điều trị các vấn đề tâm lý phổ biến hiện nay như trầm cảm, rối loạn lo âu, kiểm soát cân nặng, mất ngủ,…
Về Th.S. Nguyễn Vân Anh
Nguyễn Vân Anh là thạc sĩ Tâm lý học phát triển trẻ em – thanh thiếu niên, thạc sĩ Chiến lược tài chính, và nhà thực hành thôi miên nhân văn trị liệu có chứng chỉ. Kỹ năng của chị tập trung vào can thiệp tâm lý và hỗ trợ vấn đề tài chính cá nhân cho lứa tuổi thanh thiếu niên, cũng như người lớn trẻ.