Nếu như liệu pháp thôi miên (hypnotherapy) vẫn còn là một thuật ngữ xa lạ với nhiều người Việt, kể cả với những người thực hành tâm lý, thì Lập trình Ngôn ngữ Tư duy (Neuro Linguistic Programming – NLP) lại được biết đến nhiều hơn qua nhiều cuốn sách được xuất bản, các khóa học, và ứng dụng trong Khai vấn (Coaching) doanh nghiệp cũng như trong nhiều lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng NLP lại được phát triển với nền tảng và kỹ thuật được ảnh hưởng rất nhiều từ thôi miên trị liệu! Vậy, NLP là gì? Đâu là những điểm giao thoa giữa NLP và thôi miên trị liệu, và NLP có thể trợ giúp cho ta trong những vấn đề nào?
Trong chuỗi bài viết giới thiệu về NLP, House of Hypnosis sẽ trình bày một số kiến thức tổng quan về NLP, lịch sử phát triển, kỹ thuật, phân biệt với các trường phái thôi miên, cũng như ứng dụng của NLP hiện nay.

Lập trình Ngôn ngữ Tư duy (NLP) là gì?
Lập trình Ngôn ngữ Tư duy (Neuro Linguistic Programming – NLP) là một cách tiếp cận, hay là một tổ hợp các kỹ thuật xác định và điều chỉnh các mô hình nhận thức, ngôn ngữ giao tiếp và hành vi của con người, nhằm giúp họ đạt được mục tiêu của mình và hỗ trợ thân chủ trong hành trình phát triển cá nhân. NLP được phát triển bởi Richard Bandler và John Grinder tại Mỹ từ thập niên 70 của thế kỷ trước.
Tên gọi NLP mang ý nghĩa là sự kết hợp của:
- Neuro – Não bộ và quá trình tư duy;
- Linguistic – Ngôn ngữ; cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ và tác động tới người khác (thông qua giao tiếp);
- Programming – Lập trình; dùng để chỉ các khuôn mẫu hành vi và cảm xúc, cách chúng ta sắp xếp các ý tưởng và hành động.
Các nhà sáng lập NLP tin rằng việc hiểu biết về sự kết hợp của ba yếu tố trên và học cách thay đổi chúng sẽ giúp chúng ta đạt được các mục đích như ý muốn trong cuộc đời.
Lịch sử phát triển của NLP
NLP được phát triển từ những năm 1970s tại Đại học California. Những nhà sáng lập đầu tiên của NLP bao gồm John Grinder, một nhà ngôn ngữ học, và Richard Bandler, một nhà khoa học thông tin (information scientist) kiêm nhà toán học. Judith DeLozier và Leslie Cameron-Bandler là những người có những đóng góp quan trọng cho NLP, cũng như David Gordon và Robert Dilts.

Cuốn sách đầu tiên của Grinder và Bandler về NLP, “Structure of Magic: A Book about Language of Therapy” (Tạm dịch: Cấu trúc của những điều kỳ diệu: Một cuốn sách về ngôn ngữ trị liệu), được xuất bản vào năm 1975. Trong tác phẩm này, họ đã nhấn mạnh về một số khuôn mẫu trong giao tiếp đã giúp cho nhiều người được đánh giá là xuất chúng hơn người khác. Cuốn sách được phát triển từ các công trình của Virginia Satir, Fritz Perls, và Milton Erickson, trong đó NLP được giới thiệu như là một phương pháp tổng hòa từ các kỹ thuật và lý thuyết của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia tâm lý như Noam Chomsky, Gregory Bateson, Carlos Castaneda, và Alfred Korzybski. Từ đây, một siêu mô hình (metamodel) của NLP được phát triển, là một kỹ thuật được các nhà sáng lập cho rằng sẽ nhận diện được khuôn mẫu trong ngôn ngữ phản ánh quá trình nhận thức cơ bản của một người.
Sự quan tâm của công chúng dành cho NLP bắt đầu tăng lên từ cuối những năm 70, sau khi Bandler và Grinder bắt đầu có những chiến lược marketing bài bản cho NLP như một công cụ giúp cá nhân học cách phát triển và trở nên thành công trong cuộc sống. Ngày nay, phương pháp NLP được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tham vấn tâm lý, y học, luật, kinh doanh, trình diễn nghệ thuật, thể thao, quân sự, và giáo dục.

Lợi ích khi thực hành NLP
Nhà thực hành NLP sẽ làm việc với các thân chủ để hiểu về khuôn mẫu tư duy và hành vi, trạng thái cảm xúc, và những nguyện vọng của họ. Bằng việc tạo ra và đánh giá bản đồ cá nhân cho thân chủ, nhà thực hành NLP sẽ giúp thân chủ tìm ra và đẩy mạnh các kỹ năng phù hợp, cũng như hỗ trợ họ phát triển các chiến lược mới hiệu quả hơn. Quá trình này sẽ giúp các cá nhân đạt được mục tiêu trong trị liệu tốt hơn (NLP có thể được coi như các kỹ năng bổ sung cho quá trình trị liệu tâm lý).
NLP có thể được áp dụng để hỗ trợ điều trị cho một số vấn đề như:
- Căng thẳng, lo âu, hoảng sợ
- Nghiện, phụ thuộc
- Để tang
- Rối loạn tâm-thể
- Trầm cảm
- Thiếu tự tin
- Chuẩn bị cho các kỳ thi
- Ám ảnh sợ (phobia), OCD
- Ăn kiêng và giảm cân
- Vấn đề trong giao tiếp
- Rối loạn căng thẳng sau sang chấn
- Rối loạn tăng động giảm chú ý
- Rối loạn nhân cách ranh giới
Những người thực hành NLP cho rằng đây là một phương pháp giúp tạo ra các khuôn mẫu nhận thức và hành vi nhanh chóng, lâu dài, giúp cho thân chủ tăng cường hiểu biết về những khuôn mẫu mình đang có. NLP giúp thân chủ tìm ra cách giao tiếp hiệu quả hơn giữa quá trình tâm lý trong phần ý thức và vô thức, từ đó cải thiện khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề. Một số người ủng hộ NLP so sánh phương pháp này với Trị liệu Nhận thức – Hành vi (CBT), và họ cho rằng những thay đổi tạo ra từ liệu pháp CBT có thể đạt được qua NLP trong thời gian ngắn hơn.

Hạn chế của Lập trình Ngôn ngữ Tư duy – NLP
Dù số lượng nghiên cứu khoa học về NLP còn hạn chế, những nghiên cứu này cũng đã chỉ ra phần nào tác dụng của NLP như một phương pháp trị liệu. Trong một nghiên cứu vào năm 2013, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu xem liệu các kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ và trực quan hóa (visualization) trong phương pháp Lập trình Ngôn ngữ Tư duy có thể giúp trẻ em đang học chương trình giáo dục đặc biệt sẵn sàng với chương trình học trên lớp tốt hơn hay không. Họ đưa ra kết luận rằng kỹ thuật trong NLP giúp trẻ hình thành tinh thần tích cực, ham thích học tập. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng lưu ý rằng đây chỉ là “một kết luận ngắn, sơ bộ” (brief, tentative conclusions). Cùng với đó, mẫu nguyên cứu (sample) chỉ có 7 em học sinh.
Một bài tổng quan hệ thống (systematic review) về tác động của NLP lên sức khỏe đã được thực hiện vào năm 2012. Trong bài tổng quan, 10 nghiên cứu bàn về các vấn đề bao gồm lạm dụng thuốc, lo âu, kiểm soát cân nặng, nghén, và hội chứng sợ không gian kín (claustrophobia) đã được đánh giá. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng dù có những bằng chứng khả quan cho thấy NLP không phải là không có tác động, nhưng không nhiều bằng chứng chứng minh được sự can thiệp của phương pháp NLP thực sự giúp cải thiện sức khỏe.
Một phần do nguồn gốc đa dạng, Lập trình Ngôn ngữ Tư duy khó có thể được định nghĩa là một phương thức trị liệu. Giới hạn rõ rệt nhất của NLP là việc nó thiếu đi những bằng chứng thực nghiệm (empirical evidence) để củng cố cho các khẳng định từ những người sáng lập. Cùng với đó, việc thiếu các cơ chế để quản lý việc đào tạo và cấp chứng chỉ thực hành NLP đã dẫn đến việc nhiều cá nhân tự xưng là nhà thực hành NLP, NLP coaching mặc dù họ không có kinh nghiệm uy tín hay nền tảng về tâm lý học.
Kết luận
So với nhiều phương pháp hỗ trợ tâm lý khác, NLP có lịch sử phát triển tương đối “trẻ”. Lập trình Ngôn ngữ Tư duy có thể được thực hành như một kỹ thuật bổ sung cho tác dụng của nhiều liệu trình trị liệu tâm lý, y khoa, cũng như trong một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, với những nghiên cứu khoa học còn hạn chế, cùng việc quản lý và cấp chứng chỉ thực hành NLP chưa rõ ràng, có thể nói tác dụng của NLP vẫn cần thêm thời gian và những bằng chứng thuyết phục để kiểm chứng.
Tham khảo
1. Mind Motivation Coaching. HYPNOTHERAPY AND NEURO-LINGUISTIC PROGRAMMING (NLP). https://www.mindmotivationcoaching.com/Hypnotherapy-NLP
2. GoodTherapy (2018, 2 December). Neuro-Linguistic Programming (NLP). https://www.goodtherapy.org/learn-about-therapy/types/neuro-linguistic-programming#:~:text=Neuro%2DLinguistic%20Programming-,History%20of%20Neuro%2DLinguistic%20Programming,an%20information%20scientist%20and%20mathematician
Về House of Hypnosis
House of Hypnosis Vietnam là dự án phi lợi nhuận thành lập đầu năm 2022. Chúng tôi hướng tới việc nâng cao nhận thức của người trẻ Việt về các vấn đề sức khỏe tâm lý – tâm thần nói chung, và xóa bỏ định kiến về trị liệu thôi miên tâm lý.
Thôi miên là một hình thức trị liệu vốn mang nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu được thực hành đúng dưới sự can thiệp của nhà trị liệu chuyên nghiệp, chúng tôi tin đây là một giải pháp tích cực, mang lại hiệu quả cho việc điều trị các vấn đề tâm lý phổ biến hiện nay như trầm cảm, rối loạn lo âu, kiểm soát cân nặng, mất ngủ,…