Thôi Miên Trị Liệu: Câu hỏi thường gặp

Mục Lục

    Thôi miên có phải một trạng thái nhân tạo, phi tự nhiên không?

    Không… Thực ra, mỗi chúng ta đều đã trải qua trạng thái ý thức “thôi miên” vài lần trong ngày. Nó có thể hữu ích và cần thiết để duy trì sự cân bằng tinh thần của chúng ta.

    Erickson gọi đây là “trạng thái xuất thần thông thường hàng ngày”, xuất hiện khi chúng ta thoát khỏi hiện tại. Khi đó, ta có thể đang “ở trên cung trăng”, đắm chìm trong một cuốn tiểu thuyết hoặc một bộ phim trên truyền hình, trong khi chờ đợi xe bus, tàu điện ngầm hay đôi khi thậm chí trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Thôi miên là một trạng thái bình thường và đặc trưng trong thế giới sinh vật. Trạng thái này đã được các nhà thôi miên trị liệu nhận ra và khuếch đại. Mỗi người trong số các bạn có khả năng tự nhiên này trong người. Do đó, ai cũng có thể hưởng lợi từ những lợi ích của việc sử dụng Thôi miên.

    Ảnh: timesofindia.indiatimes.com

    Có rủi ro nào trong việc sử dụng Thôi miên không?

    Thôi miên được gọi là “trạng thái ý thức biến đổi”. Giống như bạn đang ở trạng thái tâm trí “A”, rồi bạn chuyển sang trạng thái tâm trí “B”. Chỉ vậy thôi!

    “Trạng thái tâm trí” này giống với trạng thái bạn trải qua ngay trước khi chìm vào giấc ngủ, khi bạn đắm chìm trong một cuốn ngôn tình lâm li, đắm chìm vào 1 tập phim trên Netflix, nhìn thẳng vào… mắt người yêu hoặc khi bạn chia sẻ thao thao bất tuyệt về một chủ đề bạn thích đã làm bạn quên đi thế giới xung quanh.

    Vì vậy, trạng thái thôi miên không có gì khác thường và lạ lẫm với chúng ta. Nó trung tính và vô hại.

    Thôi miên, với chữ T viết hoa, là tên được đặt cho tất cả các kỹ thuật giúp bạn có thể tự nguyện đạt đến trạng thái ý thức biến đổi này (“thôi miên”, không viết hoa). Do đó, Thôi miên có thể được coi như một công cụ. Kết quả mong đợi từ một công cụ không phụ thuộc vào bản chất của nó, mà vào cách ta sử dụng nó.

    Như bao công cụ khác, Thôi miên có thể được sử dụng tốt tùy thuộc vào tay nghề, kỹ thuật của người thực hành. Điều này tương tự như việc có những thợ làm bánh giỏi, kiến ​​trúc sư, bác sĩ hoặc thợ máy có tay nghề tốt và kém.

    Do đó, không có “rủi ro” trong việc sử dụng thôi miên, miễn là bạn thực hành nó với một người có năng lực kỹ thuật và phẩm chất con người (dù cho người đó có làm Thôi miên hay không). Và việc có chức danh như bác sĩ, nhà tâm lý hay nhà trị liệu cũng không thay đổi được vấn đề!

    Các phương tiện truyền thông cố gắng thuyết phục rằng bác sĩ là một nhà trị liệu uy tín hơn. Tuy nhiên, điều này không có cơ sở chính đáng. Bởi, một bác sĩ thường không được đào tạo về tâm lý học và không được đào tạo về bất kỳ kỹ thuật chăm sóc tâm lý trị liệu nào. Do đó, với chương trình đào tạo, phần lớn các bác sỹ sẽ hoàn toàn không biết gì về trị liệu tâm lý hoặc thôi miên. Kiến thức của họ không hơn một nhà tâm lý học hay một thợ làm bánh học về thôi miên trị liệu.

    Khi bắt đầu đào tạo, mọi người đều bình đẳng. Sau đó, có những nhân tố tốt (và ít tốt hơn), như trong tất cả các ngành nghề. Nhưng việc đào tạo cơ bản của họ không ảnh hưởng đến tài năng thực hành trị liệu của họ. Trên tất cả, chính con người, chính con người mà thân chủ là, mới tạo nên sự khác biệt, chứ không phải là bằng cấp của nhà trị liệu.

    Tại Pháp, gần đây đã có luật về chức danh “nhà trị liệu tâm lý”. Như luật nêu rõ, luật này không phải về thực hành, mà chỉ là về việc sử dụng thuật ngữ “nhà trị liệu tâm lý”. Luật này bắt buộc những người muốn có danh hiệu này phải được đào tạo về tâm bệnh học. Tuy nhiên, các nhà làm chính sách lại không có kế hoạch đào tạo về kỹ thuật chăm sóc. Đây được coi là một thiếu sót lớn.

    Do đó, một “nhà trị liệu tâm lý” đáp ứng các tiêu chí duy nhất của luật pháp cũng không có kiến ​​thức về bất kỳ phương pháp trị liệu tâm lý nào… Bạn cần biết điều này!

    Để tìm một người có năng lực về Trị liệu thôi miên, bạn chỉ cần kiểm tra mức độ đào tạo của họ (tối thiểu 30 đến 52 ngày, trải dài trong 1 hoặc 2 năm) và kinh nghiệm chuyên môn của họ, bất kể công trình nghiên cứu (trước khi học thôi miên) ra sao. Và sau đó, hãy gặp người đó, để tìm hiểu xem liệu “bầu không khí” có diễn ra tốt đẹp giữa hai người hay không – điều này cũng rất cần thiết. Một nhà trị liệu có thể hoàn hảo cho người này nhưng lại không phối hợp tốt với nhiều người khác.

    Hơn nữa, điều tốt là bạn nên định khung cái mà bạn gọi là “rủi ro”: chúng tôi chưa bao giờ thấy ai chết do hậu quả của một buổi trị liệu tâm lý, không giống như những gì có thể xảy ra với bạn khi bạn tham khảo ý kiến… bác sĩ! Ví dụ tại Pháp: số ca tử vong do điều trị y tế, do sai sót trong điều trị nhiều hơn gấp 5 lần so với số ca tử vong do tai nạn đường bộ hàng năm!!

    Khi bạn mắc sai lầm trong trị liệu tâm lý, cũng như trong trị liệu thôi miên, buổi trị liệu chỉ là vô ích. Nó không có ích gì, nhưng cũng không gây đau đớn!… Người đang đau khổ bỏ đi với nỗi đau khổ của mình, nhưng ta cũng không thể làm người đó đau hơn… Suy cho cùng, Thôi miên không đưa hóa chất nào vào cơ thể bạn, không thực hiện bất kỳ tác động vật lý nào. Chỉ có tâm trí của bạn là hoạt động.

    Để kết luận: trạng thái chú ý đặc biệt vào nội tâm được gọi là “thôi miên” và là phổ biến đối với con người – và chắc chắn là động vật. Người nào cũng có các chức năng não cần thiết, ngay từ khi sinh ra, để thực hành thôi miên. Giống như bạn có các vùng cân bằng (nhưng bạn vẫn phải học cách đi bộ hoặc đi xe đạp). Trong thôi miên cũng giống như vậy, cần sự luyện tập.

    Các công cụ của Thôi miên cũng tự nhiên, phổ biến và thiết yếu, và mỗi chúng ta sử dụng chúng hàng ngày mà không hề hay biết, cả về mặt cá nhân lẫn nghề nghiệp… Bằng cách tư vấn hoặc được đào tạo về Thôi miên, bạn sẽ học cách nhận ra chúng và sử dụng chúng. vì lợi ích cao nhất của bạn… và nó hoàn toàn an toàn!

    faq-thoi-mien-11
    Ảnh: parade.com

    Tại sao thôi miên có tính trị liệu?

    Thôi miên là một trạng thái ý thức khác với trạng thái thức hoặc ngủ thông thường. Nó giống như trạng thái ở giữa hai thế giới này… Và từ rất sớm (trong số những người Sumer, sau đó ở Ai Cập và Hy Lạp cổ đại) ta đã phát hiện ra rằng trạng thái ý thức này có thể chữa lành: những câu nói mà, trong trạng thái thông thường, sẽ không gây ra hiệu ứng gì đặc biệt, lại bắt đầu “có tác dụng”.

    Ví dụ, nếu bạn chỉ đơn thuần yêu cầu ai đó đang hoảng loạn hoặc lo lắng, hoặc đang rất đau đớn, bình tĩnh lại, thì sẽ không có gì xảy ra – vì người đó không còn kiểm soát được cảm xúc của mình. Ngược lại, trong trạng thái thôi miên, nếu một cuộc khủng hoảng cảm xúc xảy ra, nhà thôi miên có thể yêu cầu người đó “bay tới chốn bình yên, để nhìn nhận tất cả những điều này từ xa”… và điều này trở thành sự thật: trong khi tâm trí tỉnh táo sẽ tự nhủ rằng chuyện này sẽ chẳng thành công, người được thôi miên nhận thấy rằng mình đang bay lơ lửng như một con chim phía trên khung cảnh và rồi lấy lại bình tĩnh.

    Trong thôi miên, lời nói trở thành sự thật, trở nên thực tế.

    Một ví dụ khác: cơn đau “cắt da cắt thịt” có thể trở nên âm ỉ rồi biến mất; một cơn đau “bỏng rát” có thể tắt đi; cơn đau được nhìn nhận là “đỏ máu, chảy máu” có thể chuyển thành màu vàng, xanh lá cây, xanh lam hoặc bất kỳ màu nào khác phù hợp với người bệnh và rồi cơn đau biến mất ngay lập tức (điều này chẳng mất đến 10 giây mà thực sự diễn ra tức thì!). Hơn nữa, ta có thể làm cho cơn đau quay trở lại nhanh chóng… để cho người đó thấy rằng họ thực sự là người kiểm soát… và ta cũng có thể lại làm cơn đau ra đi, một cách mau chóng và dễ dàng.

    Thôi miên đã được sử dụng trong trị liệu hàng thiên niên kỷ. Và bạn cũng có thể sử dụng nó để cải thiện cuộc sống của mình, tìm giải pháp cho các vấn đề phức tạp hoặc để phát triển bản thân…

    Thôi miên mở ra cánh cửa cho những nguồn lực tiềm ẩn trong bạn, những khả năng cá nhân bị chôn vùi của bạn: kích hoạt chuỗi liên kết mới (để tìm ra nguồn gốc của vấn đề), tăng khả năng sáng tạo, tiếp xúc với vô thức (để sử dụng tiềm năng, thiết lập giải pháp, liên hệ với “người hướng dẫn bên trong” của mình, v.v.), khả năng “tập hợp lại” thông tin một cách tự phát hoặc được kích thích (ví dụ: một chấn thương trở thành một ký ức xấu, nhưng không còn gây ra khủng hoảng cảm xúc khi nó được gợi lên nữa)… v.v.

    faq-thoi-mien-13-3
    Ảnh: andrewmajorhypnotherapy.co.uk

    Nhưng, thôi miên… chỉ cần lời nói thôi sao?

    Đúng rồi. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng vượt quá nhiều phương pháp điều trị hóa học, cả trong lĩnh vực rối loạn sinh lý lẫn tâm lý. Hãy xem tim bạn đập mạnh như thế nào khi ai đó xúc phạm bạn… hay tuyên bố tình yêu của họ dành cho bạn! Và đây chỉ là những lời nói!…

    Ai còn tin rằng chỉ có chữ nghĩa “luân chuyển qua lại” giữa hai con người gặp nhau? Bối cảnh, ý định, cảm xúc là động cơ thực sự của Thôi miên. Từ ngữ là thứ cho phép ta sử dụng chúng.

    Bất kỳ sự giao tiếp mang tính người sâu sắc nào cũng đều dựa trên thôi miên.

    Araoz
    Self Transformation Through the New Hypnosis by Daniel Araoz on Apple Music
    Self Transformation Through the New Hypnosis Podcast, thực hiện bởi Dr. Daniel Araoz, có trên Apple Music. Ảnh: music.apple.com

    Tôi đã nghe nói rằng thôi miên không thực sự chữa khỏi rối loạn và các triệu chứng khác sẽ xuất hiện lại một thời gian sau khi điều trị…

    Bạn đang nói về “sự thay thế triệu chứng”. Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu không tính đến nguyên nhân gốc rễ trong quá trình trị liệu, vì biểu hiện của triệu chứng chính đơn giản là đã bị “bóp nghẹt” hoặc “đẩy ra ngoài” mà không được điều trị cẩn thận căn nguyên, hay nguyên nhân.

    Nếu một rối loạn hoặc bệnh tật phát sinh, nó không hề vô ích: một phần trong bạn có điều gì đó cần nói đấy. Có “điều gì đó” đang bị mắc kẹt, không đi đúng hướng… Nếu bạn ngăn không cho nó tự bộc lộ, bằng cách điều trị cái ngọn chứ không phải nguyên nhân gốc rễ, trị triệu chứng chứ không phải thứ tạo ra triệu chứng, thì cơ thể và tâm trí có thể sẽ tìm ra cách tốt hơn để chuyển thông điệp cho bạn! Ngay cả khi nó phải làm tổn thương bạn rất nặng. Bởi vì đây đã là vấn đề về sự sống còn đối với cơ thể sống hay tinh thần.

    Trong Thôi miên trị liệu, nhà thôi miên được đào tạo để giải quyết nguyên nhân gốc rễ, hoặc bằng cách tiếp cận Vô thức (dạng thôi miên phân ly, chẳng hạn như Thôi miên cổ điển hoặc kiểu Erickson), hoặc bằng cách giúp người đó nhận thức được những gì bị mắc kẹt trong đó (bằng cách thôi miên hợp nhất: Thôi miên Nhân văn). Vì vậy, hãy yên tâm, mọi thứ đều được lên kế hoạch để “sự thay thế triệu chứng” không bao giờ xảy ra.

    Cuối cùng, vấn đề về “sự thay thế triệu chứng” nảy sinh đặc biệt đối với các hình thức thôi miên phân ly, mang tính máy móc hơn (mô hình này thường được sử dụng trong y tế: sửa chữa những gì bị hỏng). Thôi miên mới (phân ly) và Thôi miên nhân văn (liên kết) hiện đại hơn và mang khía cạnh tâm lý, cho phép một người tiến hóa, ngoài việc “chữa bệnh” thông thường. Điều này làm cho mối quan tâm máy móc về “nguyên nhân gốc rễ” trở nên lỗi thời, vì toàn bộ con người tiến hóa theo chiều sâu trong quá trình trị liệu.

    Kết luận: nếu vấn đề không phải là do sinh lý (ví dụ như gãy chân) và nếu buổi trị liệu được tiến hành một cách chính xác, thì bất kể hình thức trị liệu thôi miên nào, cũng sẽ không bao giờ có bất kỳ sự thay thế triệu chứng nào. Nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh điều đó: Wolberg năm 1964, Hartland năm 1975, Kroger năm 1977, Araoz năm 1982…

    Ảnh: asbestos.com

    Thôi miên có phải là một dạng ngủ không?

    Bất chấp từ nguyên học của từ ngày nay dùng để chỉ hiện tượng tự nhiên này và sự bất động tương đối thường xuyên của thân chủ trong trạng thái thôi miên, thôi miên không có điểm gì chung với giấc ngủ, cũng như ngay cả với trạng thái tỉnh táo bình thường.

    Trong nhiều nghiên cứu điện não, không có sự tương đồng nào được tìm thấy giữa trạng thái tỉnh táo, thôi miên và giấc ngủ sâu hoặc nghịch thường (REM), mặc dù những vùng cụ thể của não gần đây đã được phát hiện chỉ được kích hoạt trong trạng thái thôi miên.

    James Braid, người sáng tạo ra thuật ngữ “thôi miên” vào năm 1841 đã cố gắng sửa đổi thuật ngữ ngay sau khi xác minh rằng trạng thái này không liên quan gì đến giấc ngủ… nhưng quá muộn, từ “thôi miên” đã trở thành mốt – và lưu lại đến nay!

    Do đó, người ở trong Trạng thái Ý thức Biến đổi sẽ vẫn hoàn toàn “có ý thức” (cùng dạng “ý thức” như khi người ta mơ) từ đầu này đến đầu kia của phiên thôi miên. Phần vô thức của tâm trí anh ta sẽ quan tâm đến khả năng mất trí nhớ (amnesia) trong những thời điểm quan trọng… trên đường trở về! Và nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là điều khiến anh ta cảm thấy buồn ngủ, hay quên, nhưng chỉ khi trạng thái mất trí nhớ tự phát như vậy xuất hiện – và đây là điều hiếm khi xảy ra.

    Ngược lại, thôi miên có điểm chung với việc sản sinh ra những giấc mơ, theo nghĩa là chúng chỉ xảy ra, dù theo cách này hay cách khác, khi thân chủ cảm thấy tuyệt đối an toàn.

    Hypnotherapy for Insomnia | Elisa Di Napoli Holistic Life Coaching and  Psychological Guidance
    Ảnh: elisadinapoli.com

    Tôi đã được đánh giá là không thể bị thôi miên…

    Trạng thái thôi miên là tự nhiên và ai cũng đều trải qua nó hàng ngày mà không hề hay biết, chỉ cần để ý mỗi đêm khi chìm vào giấc ngủ (giai đoạn “hypnagogic”). Các nhà thần kinh học thậm chí còn tin rằng trạng thái “xuất thần nhẹ” hàng ngày (khoảng 90 phút một lần) là tự nhiên và cần thiết cho sự cân bằng tinh thần và thể chất.

    Do đó, người đã nói với bạn rằng bạn không “có khả năng thôi miên” đã nói với bạn những điều vô nghĩa, và đơn giản là người đó không tìm thấy cho bạn con đường dẫn đến trạng thái ý thức bị thay đổi này.

    Bạn sẽ tự mình khám phá ra, trong quá trình đào tạo, hoặc trong các cuộc hẹn với một nhà trị liệu thôi miên giỏi, nghệ thuật và cách xây dựng “con đường hoàng gia” khám phá nội tâm này. Và bạn sẽ đồng thời học cách lấy bản thân làm nhân chứng tham khảo – liên quan đến giới hạn và khả năng cá nhân của bạn. Hãy tin tưởng vào bản thân!

    Liệu nhà thôi miên có thể tiếp tục thôi miên tôi từ xa và sử dụng tôi như một đồ vật không?

    Không thể!… Chẳng có gì cho phép bạn làm điều đó: đây là khoa học viễn tưởng!

    Thôi miên vận hành bằng lời nói, bằng miệng. Bằng văn bản thậm chí còn không có tác dụng.

    Nhà thôi miên dạy bạn cách sử dụng tâm trí. Anh ta không có “quyền lực”, ngoại trừ năng lực sư phạm. Nhà thôi miên giải thích bằng cách nói, để tâm trí bạn hiểu nó phải làm gì để giúp bạn. Cuối cùng, chính bạn là người học hỏi và thay đổi – trong tiềm thức. Nhà trị liệu chỉ là người hướng dẫn. Một khi nhà trị liệu không còn ở đó nữa, bạn vẫn có thể tiếp tục khỏe mạnh, bởi vì những gì bạn đã học được đã nằm trong bạn. Và bạn có thể quên đi nhà trị liệu của mình!

    Về phần mình, nhà thôi miên không thể làm bất cứ điều gì “từ xa”: thôi miên không phải là thần giao cách cảm! (Ngoài ra, ta thậm chí còn không biết liệu thần giao cách cảm có thực sự tồn tại hay không!).

    Vì vậy, không có gì phải sợ. Khi bạn ở cùng nhà trị liệu, người đó chỉ có thể giúp bạn, bởi vì bản năng sinh tồn của bạn sẽ chặn mọi thứ có thể chống lại bạn. Và khi bạn ở xa nhà trị liệu, anh ta không thể làm gì được nữa… vì bạn không còn ở trong văn phòng trị liệu đó nữa!

    Phiên họp có thể gây ảnh hưởng lớn, “ghi dấu” lên bạn đến mức chiếm giữ suy nghĩ của bạn trong một thời gian dài. Điều này là có thể, nhưng nó cũng chỉ là giữa “bạn và bạn” mà thôi. Nhà trị liệu là một chuyên gia, đang làm một nghề. Người đó chỉ gặp bạn trong phiên thăm khám ​​và do đó không có lý do gì khiến người đó tiếp tục lo liệu cho bạn sau khi bạn đã bước ra khỏi phòng khám. Đơn giản vậy thôi.

    Do đó, bạn có thể tận hưởng các buổi thôi miên của mình một cách trọn vẹn và thanh thản. Nó chỉ có thể làm điều tốt cho bạn.

    Thân chủ có chịu sự tác động của nhà thôi miên không?

    Không, hoàn toàn ngược lại: khi bạn rơi vào trạng thái thôi miên, bạn giành được quyền kiểm soát bản thân, vì Trạng thái Ý thức Biến đổi này sẽ cho phép bạn tăng khả năng sáng tạo, khả năng học tập và ghi nhớ, cũng như thay đổi nhận thức của bạn về cách thời gian trôi qua, kiểm soát cảm xúc hay huyết áp của bạn, quá trình đông máu, quá trình liền sẹo trên da hay vôi hóa xương, thay đổi nhịp tim hoặc nhiệt độ của cơ thể và sửa đổi các cảm giác như cảm giác đau đớn…

    Trong trạng thái thôi miên, bạn có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với cuộc sống của mình.

    Nếu có lúc nhà thôi miên vô tình hoặc vụng về đưa ra một gợi ý không phù hợp với bạn, thì sẽ có “ám thị kiểu cầu chì “, được đặt ra ở đầu mỗi phiên thôi miên và điều này sẽ cho phép Vô thức của bạn biến đổi lời nói của nhà trị liệu sao cho phù hợp và có ích cho bạn trong mọi trường hợp.

    Và nếu ngay cả nhà thôi miên (tập sự) đã quên “những ám thị cầu chì”, thì Vô thức của bạn sẽ phản ứng bằng cách tạo cho bạn cảm giác buồn nôn, đau bụng, giống như khi bạn chơi thể thao mà không ăn uống trước và bạn bị hạ đường huyết: đây chỉ là một ấn tượng, một cảm giác bởi vì trong bạn không có bất cứ thứ gì thật sự gây buồn nôn cả, nhưng nó sẽ đủ để đưa bạn ra khỏi trạng thái thôi miên. Và thế là “ám thị xấu” sẽ bị chặn. Chuyện đó diễn ra hoàn toàn tự nhiên và tự động!

    Vì vậy, cho dù bạn có duy trì ý thức trong trạng thái thôi miên, xuất thần nhẹ hay xuất thần sâu, trong mọi trường hợp, Vô thức vẫn bảo vệ bạn. Thiên nhiên được thiết lập tốt đến vậy đấy.

    Thôi miên có thể chăm sóc, hay chữa lành?

    Thôi miên chăm sóc… Bạn mới là người chữa lành/khỏi bệnh!

    Thôi miên là một công cụ mà nhà trị liệu của bạn sử dụng và cuối cùng dạy bạn cách tự sử dụng, vậy thôi. Kết quả thu được có vẻ “kỳ diệu” đối với một người không biết Thôi miên, nhưng trên thực tế thì chẳng có gì phi thường cả! Như với bất kỳ công cụ nào, giá trị của những gì bạn nhận được sẽ phụ thuộc vào nghệ thuật và cách bạn sử dụng nó. Và ngay cả khi bạn có nhà trị liệu giỏi nhất trên thế giới, thì tâm trí của bạn vẫn sẽ luôn là tác nhân vận hành chính. Bạn sẽ luôn là động cơ của sự thay đổi.

    Một người làm vườn giỏi biết cách gieo hạt của mình ở đâu và như thế nào, nhưng không có khả năng làm cho chúng nảy mầm. Chỉ có cuộc sống mới làm được điều đó. Và không ai trên thế giới này có thể ép một hạt giống nảy mầm… Vì vậy, Thôi miên cho phép bạn gieo “hạt giống thay đổi” của mình theo cách tốt nhất để chúng nảy mầm. Sau đó, bạn và Sự sống sẽ làm phần còn lại!

    Nhưng tất cả những điều này vẫn là thao túng!

    Phải, tất nhiên! Nhưng đây là “thao túng với mục đích trị liệu”.

    Ta có thể liên hệ với sự “thao túng” mà bạn sử dụng một cách vô thức khi hẹn hò với một người quyến rũ: bạn thay đổi cách ăn mặc, ngôn ngữ, cách nói và thậm chí cả cách bạn giữ mình… Bạn có mục tiêu trong đầu khi làm vậy không?…

    Và điều tương tự mỗi khi bạn muốn đạt được điều gì đó (được đưa lọ muối trên bàn ăn, trong công việc, giữ bình tĩnh với con cái, người lo âu tự trấn an bản thân, để một người bạn hiểu bạn đã tận hưởng kỳ nghỉ như thế nào, v.v.). Mỗi lần như vậy, câu hỏi đặt ra là làm sao để “người kia” chấp nhận những gì ta nói.

    Có thể gọi đó là thao túng… nhưng là giao tiếp thì đúng hơn!

    Bởi vì không thể không “thao túng”, nếu vậy thì cũng chẳng còn giao tiếp. Mọi thứ đều là thông tin liên lạc, ngay khi 2 sinh vật gặp nhau.

    Ngoài ra, nhà trị liệu hoặc khai vấn viên được trả tiền để giúp bạn đạt được mục tiêu, vì vậy họ hành động với bạn như thể bạn sẽ tự hành động trong các tình huống mà bạn phấn đấu để đạt được thành công. Nếu bạn muốn gọi nó là “thao tác”, thì hãy thêm tính từ “trị liệu” nữa.

    Sự thao túng của Thôi miên cũng giống như của nhà vật lý trị liệu, với thao tác trị liệu, mang tính kỹ thuật và an toàn.

    Như vậy, thân chủ trong trạng thái thôi miên vẫn giữ được sự độc lập của mình. Không ai có thể buộc anh ta làm trái ý mình, trái với đạo đức hoặc sự toàn vẹn về thể chất của anh ta chỉ bằng cách sử dụng thôi miên. Ai cũng đều giữ ý chí tự do của mình; mà, hơn nữa, đây là điều mà các quy trình trị liệu hiện nay coi trọng.

    Một người có thể bị ảnh hưởng thì đã bị ảnh hưởng chứ không cần bất kỳ thuật thôi miên nào! Do đó, sự thao túng của thôi miên cũng giống như thao tác của nhà vật lý trị liệu: là để trị liệu. Nó được tạo ra để chữa lành, chứ không phải để lừa đảo hoặc khiến người khác phục tùng.

    Vì vậy, hiển nhiên là việc những người có ý đồ xấu sử dụng các kỹ thuật giao tiếp mạnh mẽ cho những lĩnh vực nào đó là có thể xảy ra: như người ta có thể dùng dao mổ để cứu sống trong ca phẫu thuật… hoặc để ám sát ai đó, nếu người này bị loạn trí! Tất cả là về đạo đức.

    Tuy nhiên, nếu không có một công cụ “hiệu quả” (như một con dao mổ “sắc bén”), bạn không thể làm gì được. Cả điều xấu… lẫn điều tốt.

    Tuy nhiên, bản năng sinh tồn vẫn ngăn chặn mọi thứ có thể chống lại con người, và các kỹ thuật Ericksonian và Thôi miên Mới ngăn cản nhà trị liệu hoặc khai vấn viên phóng chiếu cá nhân, hay phát ra những suy nghĩ và niềm tin cá nhân của anh ta, dù là vô thức (nhờ ngôn ngữ thôi miên “không chuyên biệt”).

    Vì vậy, hãy yên tâm về câu chuyện “thao túng” này.

    Thuật thôi miên Ericksonian ít thao túng hơn bất kỳ phương pháp trị liệu tâm lý nào khác mà tôi đã chứng kiến.

    John Grinder

    Nếu bạn muốn tránh mọi kiểu thao túng, bạn có thể thử Thôi miên Nhân văn. Phương pháp này sẽ đưa thân chủ vào trạng thái ý thức tăng cường – một trạng thái cụ thể có thể nhận biết được bằng thực tế là người đó không còn dễ bị ám thị nữa. Khi đó, họ được bảo vệ một cách tự nhiên khỏi các hình thức ám thị, dù là tiêu cực hay tích cực! Ở đây, nhà trị liệu không thể can thiệp trực tiếp nữa. Nhà trị liệu trở thành nhà sư phạm, hướng dẫn thân chủ áp dụng các kỹ thuật điều trị. Thân chủ có thể thực hành như cách người đó muốn và theo tốc độ của riêng mình. Vĩnh biệt sự “thao túng”, dù là với mục đích “trị liệu”, và chào mừng tới công trình được thực hiện một cách hoàn toàn có ý thức!

    Thôi miên càng sâu, kết quả càng tốt… đúng không?

    Chà, câu này sai rồi: bạn rất có thể được gây mê cánh tay hoặc bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể, trong khi vẫn hoàn toàn minh mẫn và tỉnh táo. Hãy xem thử các buổi minh họa của nhiều người cùng lúc, trong các khóa đào tạo chuyên nghiệp Thôi miên mà xem. Vào những năm 1960, ta đã thấy một bệnh nhân trải qua cuộc phẫu thuật ruột thừa và hút một điếu thuốc trong thời gian này: phần thân dưới được gây mê còn phần thân trên lại vẫn tỉnh táo… Những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống rất có thể xảy ra sau một cuộc thôi miên trò chuyện, trong đó người này chỉ ở trong trạng thái xuất thần nhẹ đến trung bình, thường thì bạn không hề nhận ra, v.v.

    Độ sâu của trạng thái thôi miên rất ngoạn mục và dễ chịu đối với người đó – đó là lý do tại sao ta tìm kiếm nó – nhưng nó không liên quan đến hiệu quả có thể mong đợi từ phiên thôi miên.

    Một phiên thôi miên như vậy sẽ rất sâu sắc đối với người đó, và không nhất thiết sẽ hiệu quả hơn một phiên khác mà trạng thái thôi miên ở mức trung bình…

    Nếu một số kỹ thuật nhất định đòi hỏi một sự xuất thần (trance) sâu hơn những gì đối tượng hiện có thể đạt được (ví dụ: để viết tự động (automatic writing) hoặc để kích hoạt lại các giấc mơ trong phiên thôi miên), thì ta sẽ trải qua một giai đoạn đào tạo, cho đến khi bạn thành thạo trạng thái mong muốn của ý thức. Làm được điều này thì thật tuyệt, nhưng trạng thái sâu hiếm khi là “thiết yếu” trong trị liệu.

    Có vẻ như một số thân chủ không bao giờ thức dậy?…

    Không đâu!! Điều đó là không thể.

    Trạng thái thôi miên là một trạng thái hoàn toàn tự nhiên: kể từ khi bạn được sinh ra, não bạn đã có những khu vực dành riêng cho trạng thái thôi miên (và một số loài động vật nữa). Thôi miên là một trạng thái tự nhiên VÀ, ngoài ra, còn là trạng thái cân bằng: giữa thức và ngủ… Làm sao bạn có thể mong đợi người đó không trở lại trạng thái tỉnh táo bình thường của anh ta nữa? Hoặc là anh ta tự “thức dậy” (nếu ta có thể nói như vậy, bởi vì trong trạng thái bị thôi miên ta không “ngủ”). Hoặc, nếu đêm qua người đó ngủ muộn, thì anh ta sẽ chợp mắt một chút! Nhưng điều đó không liên quan gì đến thôi miên nữa.

    Các nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc, được lặp đi lặp lại nhiều lần trong sáu mươi năm qua, cho thấy rằng ngay cả một thân chủ rất nhạy cảm với trạng thái thôi miên, khi được để yên, cũng sẽ thoát ra khỏi trạng thái thôi miên một cách tự nhiên sau trung bình 20 phút… hoặc chìm vào giấc ngủ yên bình với một giấc ngủ phục hồi tự nhiên. Ngoài ra, ngay sau khi bạn đã tự mình thử nghiệm, bạn sẽ nhận ra rằng bạn giữ một sự kiểm soát nhất định trong suốt các sự kiện. Thường thì bạn sẽ vẫn tỉnh táo trong suốt trải nghiệm. Và khi bạn thật sự “lạc đi”, đó là bởi vì bạn sẽ hoàn toàn tin tưởng vào người hướng dẫn của mình… và rồi đi vào chính bản thân bạn!

    Việc sử dụng Thôi miên đòi hỏi một năng khiếu và kiến ​​thức về các kỹ thuật bí mật và ma thuật của tổ tiên!

    Từ Thôi miên, bạn sẽ tiếp thu các kỹ thuật rất gần với Sự sống… đã tồn tại từ buổi bình minh của lịch sử… và được tìm thấy trong tất cả các nền văn minh… vì vậy kết quả thu được từ chúng thực sự đáng ngạc nhiên, thậm chí là khó tin!… Thế nên một số người đã gọi đây là “phép màu” hay “phép thuật”…

    Tuy nhiên, và theo như chúng tôi biết, không có bùa mê nào đằng sau chúng cả!

    Ai cũng đều có thể tiếp cận quá trình trị liệu của Trị liệu Thôi miên, đơn giản bằng cách học, và không đòi hỏi năng kiếu nào khác ngoài tinh thần cởi mở, sự luyện tập, tinh thần nhân văn và cam kết cá nhân đủ nhiều. Do đó, không cần phải có tài năng đặc biệt, cũng chẳng cần tạo ấn tượng bằng bộ râu đen hoang dã hay đôi mắt hấp dẫn!

    Vậy nghĩa là, sau một buổi thôi miên tất cả các vấn đề của tôi sẽ biến mất mà tôi không cần phải làm bất cứ điều gì?

    Điều này không sai, nhưng không phải lúc nào cũng đúng.

    Việc bạn tham gia vào trị liệu sẽ luôn mang tính quyết định, đặc biệt là đối với những vấn đề “nghiêm trọng”.

    Sự tham gia của bạn bắt đầu với việc bạn yêu cầu tham gia trị liệu. Nếu không có “cam kết” đầu tiên này, động cơ/năng lượng của sự thay đổi sẽ không thể phát triển. Do đó, điều cần thiết là bạn phải đưa ra yêu cầu trị liệu của riêng mình.

    Sau đó, trong Thôi miên Ericksonian (trên thực tế, nó nên được gọi là “Thôi miên mới”), tốt nhất là cộng tác với chuyên gia thôi miên của bạn – ngay cả khi những cách tiếp cận này có các kỹ thuật nhằm quản lý “sự kháng thuốc”.

    Mặt khác, trong Thôi miên Nhân văn, về nguyên tắc, bạn sẽ được yêu cầu tham gia – vì chính bạn (trong trạng thái ý thức tăng cường) sẽ áp dụng những gì sẽ chữa lành cho bạn! Càng có thái độ nghi ngờ hoặc không tin tưởng đối với nhà trị liệu của mình hoặc thôi miên trong thôi miên Ericksonian hoặc Thôi miên mới, thái độ này lại càng ngăn cản việc trị liệu trong Thôi miên Nhân văn, nơi bạn sẽ được đối xử như những người trưởng thành và có trách nhiệm, sẵn sàng (hoặc không sẵn sàng) chữa lành chính bạn.

    Vì vậy, nếu bạn tham gia vào việc trị liệu của mình (ngay cả khi nghi ngờ: bạn luôn có thể nghi ngờ, đó là nơi bắt nguồn của điều kỳ diệu, và đây là một điều rất tốt đẹp), bạn hoàn toàn có thể chữa khỏi chứng ám ảnh, dị ứng, chấn thương hoặc sợ hãi (cả khi rối loạn đó đã rất cũ và rất dai dẳng) trong một phiên duy nhất. Đây là điều xảy ra rất thường xuyên.

    Sau đó, tốt hơn là bạn nên có sự theo dõi, dù là tối thiểu, với người đó. Buổi thôi miên đầu tiên cho phép bạn phân tích vấn đề và đưa ra biện pháp can thiệp đầu tiên (có thể là phương pháp phù hợp!). Ta sẽ kiểm tra, từ tám đến mười lăm ngày sau, cách người đó cư xử và cảm thấy, việc này sẽ thiết kế lại/củng cố một số yếu tố nhất định. Và cuối cùng, phiên thứ ba sẽ cho phép bạn thấy sự thay đổi và hoàn thành tất cả với một phiên làm việc tràn đầy năng lượng, để “trở nên tốt hơn cả tốt hơn”.

    Do đó, trong trị liệu thôi miên, thời lượng trung bình là từ ba đến mười buổi, hiếm khi hơn (ngoại trừ cai thuốc lá hoặc điều trị dị ứng, thì một buổi duy nhất nói chung đã là đủ).

    Hãy nhớ rằng những bệnh nhân lẽ ra phải trải qua ba tháng trị liệu có thể thay đổi trong ba phiên điều trị, và những bệnh nhân cần điều trị và theo dõi nghiêm ngặt trong mười năm có thể vẫn tiếp tục điều trị trong mười tháng hoặc một năm. Milton Erickson đã nhận tham vấn thường xuyên trong ba năm cho một người mà lòng ham sống của anh ta đã bị giảm thiểu xuống hư vô: và điều đó đã biến đổi cuộc đời anh ta (xem trường hợp ấn tượng về Harold, trích cuốn “Một nhà trị liệu phi thường”).


    Về Th.S. Nguyễn Vân Anh

    Nguyễn Vân Anh là thạc sĩ Tâm lý học phát triển trẻ em – thanh thiếu niên, thạc sĩ Chiến lược tài chính, và nhà thực hành thôi miên nhân văn trị liệu có chứng chỉ. Kỹ năng của chị tập trung vào can thiệp tâm lý và hỗ trợ vấn đề tài chính cá nhân cho lứa tuổi thanh thiếu niên, cũng như người lớn trẻ.

    Về House of Hypnosis

    House of Hypnosis Vietnam là dự án phi lợi nhuận thành lập đầu năm 2022. Chúng tôi hướng tới việc nâng cao nhận thức của người trẻ Việt về các vấn đề sức khỏe tâm lý – tâm thần nói chung, và xóa bỏ định kiến về trị liệu thôi miên tâm lý.

    Thôi miên là một hình thức trị liệu vốn mang nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu được thực hành đúng và có hướng dẫn, chúng tôi tin đây là một giải pháp tích cực, mang lại hiệu quả cho việc điều trị một số rối loạn tâm thần phổ biến ở người trẻ như trầm cảm hay rối loạn lo âu.

    Đăng ký theo dõi bài viết mới nhất của House of Hypnosis tại đây.

    error: Nội dung thuộc sở hữu của House of Hypnosis. Vui lòng không sao chép, in ấn, lưu trữ khi chưa có sự cho phép của đội ngũ chúng tôi. Cảm ơn bạn.