Thôi Miên Có Thể Tạo Ra Ký Ức Sai Lệch?

thoi-mien-tao-ra-ky-uc-sai-lech

Không phải thôi miên tạo ra ký ức sai lệch, mà là những lời gợi ý/ám thị (suggestions).

Trong bộ phim nổi tiếng Star Wars, thôi miên được thể hiện qua các “Jedi Mind Trick”, là một trong những dẫn chứng tiêu biểu cho cách truyền thông đang cố “tuyên truyền” về thôi miên như một kỹ thuật khiến người khác tuân thủ và làm theo những gì [người thôi miên] muốn. Điều đó khiến cho thôi miên ít nhiều bị mang tiếng xấu, và chỉ được coi như là những trò “ảo thuật” giải trí, không hơn không kém.

Mặc dù khả năng “thao túng” và kiểm soát tâm lý ai đó là điều hoang đường và khó tin, nhưng việc gán cho một kỹ thuật nào đó, như là thôi miên, có thể giúp con người làm những điều “kỳ diệu” như vậy, lại giúp cho truyền thông lôi kéo sự chú ý của mọi người vào thôi miên. Phần lớn mọi người hiện nay có những ý niệm về thôi miên và cách thôi miên được tái hiện trên truyền thông thường tập trung vào mặt tối của thôi miên, hoặc khả năng trục lợi từ người khác qua những thông tin mà [người thôi miên] có thể “truy cập” vào tâm trí của người bị thôi miên.

Trên thực tế, thôi miên là trạng thái trong đó người bị thôi miên vẫn đang tỉnh táo và có ý thức, nhưng sự tập trung của họ được dồn vào một điều gì đó, hoặc một trải nghiệm trong tưởng tượng, với những hình ảnh và cảm xúc rõ ràng. Điều đó khiến cho họ gặp giới hạn trong việc kết nối với môi trường xung quanh trong khoảnh khắc hiện tại, đồng thời cho phép các thông tin từ bên ngoài (external input, có thể hiểu là các lời dẫn từ người thôi miên – ND) dẫn lối cho luồng suy nghĩ của họ trong trạng thái thôi miên. Một người từ trạng thái ý thức thông thường có thể rơi vào trạng thái thôi miên thông qua các lời dẫn thôi miên (hypnosis induction), giúp họ hướng tới vào trí tưởng tượng và khả năng tập trung trong hiện tại. Trọng tâm của sự chú ý có thể là một vật trực quan như ngọn nến, quả bóng, một tấm ảnh, hay sự hồi tưởng về một sự kiện, bối cảnh khi người đó mơ ngày (daydreaming).

Vậy điều gì khiến cho mọi người bóp méo định nghĩa về thôi miên và luôn muốn đặt nó vào bối cảnh ma thuật mờ ám? Khi đào sâu vào tìm hiểu về thôi miên và ký ức sai lệch (false memories), cũng như những lời ám thị (suggestions), tôi nghĩ mình có thể đưa ra lời giải thích cho việc đó.

Thôi miên tạo ra ký ức sai lệch?

Bộ nhớ của chúng ta không phải một kho lưu trữ thông tin hoàn hảo. Nó vẫn có thể bị tác động. Giống như khi trích xuất (retrieved) thông tin ra khỏi bộ nhớ, thông tin đó có thể khác so với thông tin đã được mã hoá (encoded) và xử lý (processed) trong não bộ của chúng ta. Sự khác biệt này có thể là kết quả của rất nhiều hiện tượng mà Daniel Schacter đã nhắc đến trong cuốn sách “Bảy Tội Ác Của Trí Nhớ” (Seven Sins of Memory). Trong nhiều ví dụ, các nguồn thông tin từ bên ngoài có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta ghi nhớ và tiếp nhận một số thứ, hay còn được gọi là khả năng tiếp nhận ám thị (suggestibility), là một trong số bảy “tội ác” trong cuốn sách nêu trên. Bạn có thể không nhớ chính xác bạn đã làm gì vào sinh nhật tuổi lên năm, nhưng nếu bạn được xem một tấm ảnh chụp vào ngày sinh nhật 05 tuổi, bạn có khả năng sẽ vẽ ra được một ký ức đầy tình tiết (episodic memory) một cách đầy tự tin – trong khi chúng hoàn toàn có thể không phải sự thật. Trí nhớ tình tiết – episodic memory – là những sự kiện được lưu trữ lại trong bể chứa vô cùng tận của trí nhớ dài hạn (long-term memory). Thử nghĩ xem, nếu ký ức của chúng ta dễ dàng bị bóp méo như vậy, ta sẽ có khả năng “cấy ghép” những ký ức sai lệch vào tâm trí hay sao?

Ảnh: The Scholarly Kitchen

Nhà tâm lý học Elizabeth L Loftus đã tìm ra cách để giải thích cho vấn đề trên. Sử dụng một ký ức tuổi thơ cụ thể về việc từng bị lạc trong trung tâm mua sắm, một thí nghiệm được đưa ra nhằm mục đích “cấy” ký ức tuổi thơ này vào những người tham gia ở độ tuổi trưởng thành. Người tham gia được cho biết rằng cha mẹ họ đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu một số ký ức khi họ khoảng 5 hoặc 6 tuổi, và người tham gia sẽ đọc những ký ức về họ, trong số đó có một ký ức sai lệch. Cha mẹ của họ xác nhận rằng họ không bị lạc trong trung tâm mua sắm khi mới 5 hoặc 6 tuổi. 25% người tham gia đã tự “cấy” ký ức này vào tâm trí họ, sau khi họ được yêu cầu viết lại về những ký ức đã được đọc, và họ thậm chí còn cung cấp thêm thông tin chi tiết về người đã tìm thấy họ và những người xung quanh họ. Việc “cấy ghép” thành công những ký ức sai lệch này đã ủng hộ cho quan điểm về việc tưởng tượng về một sự kiện thời thơ ấu có thể làm tăng độ tin cậy về việc sự kiện đó [thực sự] xảy ra, hay còn gọi là sự lạm phát tưởng tượng (imagination inflation). Ký ức giả này được tạo ra khi có sự kết hợp giữa ký ức thật và lời gợi ý (suggestions) từ người khác. Điều này khiến người tham gia trong thí nghiệm quên đi nguồn thông tin ban đầu, một “tội ác” khác của trí nhớ, và tin vào những gợi ý được đưa ra cho họ.

Khả năng tiếp nhận thôi miên (hypnotizability)

Khả năng mà một người có thể bị thôi miên, hay còn gọi là khả năng tiếp nhận thôi miên (hypnotizability), được đánh giá dựa trên khả năng bị tác động bởi những lời gợi ý, hay những lời ám thị (trong tiếng Anh, lời gợi ý hay lời ám thị đều là suggestions – ND). Khả năng tiếp nhận ám thị (suggestibility) của một người có thể trở nên nhạy bén hơn khi người đó đang ở trong trạng thái thôi miên, và điều này giải thích cho việc rất nhiều người đã không nhận ra những tiềm năng của trạng thái thôi miên, mà chỉ tập trung vào khả năng “cấy ghép” những ký ức sai lệch trong trạng thái đó.

Nếu một ca thôi miên được thực hiện với mục đích phục hồi (retrieve) lại một số ký ức, thì đó là một giải pháp không đáng tin cậy. Đây là điều đã được nhấn mạnh đặc biệt trong lĩnh vực pháp lý khi yêu cầu việc hồi tưởng của các nhân chứng (legal witness recollection), bởi [nhờ khả năng tiếp nhận ám thị] nhiều nhân chứng đã trở nên tự tin trước những ký ức không hoàn toàn chính xác, hay ở trong lĩnh vực tâm lý trị liệu, khả năng này có thể giúp đưa ra một số “mảnh ghép” trong ký ức gắn liền với cảm xúc của thân chủ.

Ta có thể thấy rằng, những lời ám thị và gợi ý có thể tạo ra những ký ức sai lệch, và lỗi không nằm ở mỗi trạng thái thôi miên. Một ví dụ giúp chúng ta dễ hình dung hơn, đó là những câu hỏi mang tính định hướng (leading questions) của người thẩm vấn các nhân chứng [trong các vụ việc pháp lý]. Cách diễn đạt có chọn lọc trong các câu hỏi có thể dẫn dắt người trả lời hồi tưởng lại những ký ức tình tiết khác nhau và tạo ra ký ức sai lệch, khi người trả lời đang không ở trong trạng thái thôi miên & hoàn toàn tỉnh thức.

Một ca thôi miên thường bắt đầu khi có mục đích rõ ràng, và yêu cầu sự chấp thuận của cá nhân người được thôi miên. Do đó, nếu bạn đang được thôi miên nhằm hồi tưởng lại một ký ức, có một khả năng nhất định rằng những lời ám thị, như là một số từ ngữ mà nhà trị liệu thôi miên sử dụng, có thể tác động tới những gì bạn có thể hồi tưởng. Và việc chọn lọc từ ngữ ở những lời gợi ý/ám thị vẫn có thể tác động tới câu trả lời của bạn kể cả khi bạn đang không ở trong trạng thái thôi miên. Thêm vào đó, việc có một thái độ tích cực và đón nhận khi ở trong trạng thái thôi miên có thể khiến cho nhiều người tạo ra nhiều ký ức sai lệch hơn trong bài kiểm tra nhận diện từ ngữ* so với những người có thái độ tiêu cực. Điều này cho thấy niềm tin và mức độ sẵn sàng về trạng thái thôi miên có thể làm tăng cường khả năng tiếp nhận ám thị. Nếu thiếu đi sự chấp nhận và sự tập trung vào toàn bộ quá trình, việc thôi miên sẽ không thể diễn ra. Điều này cũng giúp ta “giải ảo” một quan niệm sai lầm cho rằng [nhà thôi miên] có thể dẫn dắt mọi người vào trạng thái thôi miên giống như việc bỏ bùa mê thuốc lú. Trong khi đó, sự thật là, dưới trạng thái thôi miên, khả năng tiếp nhận ám thị chỉ gia tăng khi cá nhân người được thôi miên chấp nhận… để được thôi miên. Và nhìn chung, dù ở trạng thái thôi miên hay không, thì những lời gợi ý/ám thị, trong mọi tình huống, đều có thể tác động tới ký ức của chúng ta, như là làm biến dạng hoặc “cấy ghép” những ký ức sai lệch vào bộ nhớ.

(*) Bài kiểm tra nhận dạng cũ/mới (ONR) là một bài kiểm tra đơn giản trong đó người tham gia trước tiên cần ghi nhớ danh sách các mục để quyết định xem các từ trong danh sách mới là cũ hay mới. Nhiệm vụ này dựa vào trí nhớ nhận dạng và so sánh với các bài kiểm tra trí nhớ thu hồi trong đó người tham gia cần tái tạo các mục đã học trước đó. (Tham khảo: testable.org)

Thực hành thôi miên như một liệu pháp tâm lý

Trong lĩnh vực khoa học nhận thức, thôi miên gặp ít nhiều tai tiếng oan ức bởi khả năng tạo ra những ký ức sai lệch. Tuy nhiên, ta cần hiểu rằng (1) ta hoàn toàn có thể tạo ra những ký ức sai lệch từ những lời gợi ý/ám thị thông thường mà chưa cần dùng tới những lời ám thị trong thôi miên, và (2) thôi miên có rất nhiều đặc tính hữu ích với con người. Bởi thôi miên là một quy trình hướng tới mục tiêu (goal-oriented), thôi miên đã được thực hành để làm giảm các triệu chứng lo âu và đau đớn kể từ những ngày đầu của lịch sử nhân loại (Đọc thêm: Lịch sử Thôi miên – Thời kỳ Cổ đại). Thôi miên có thể dẫn dắt khả năng nhận thức của con người nhằm giúp thuyên giảm tác dụng phụ của một số loại thuốc hay triệu chứng bệnh tất. Ngày nay, thôi miên còn được thực hành trong việc hỗ trợ các bà mẹ trong lúc sinh nở, hay còn được biết với cái tên hypnobirth. Việc tập trung vào các hình ảnh, và đi theo trình tự để có thể tự thôi miên, giúp cho các bà mẹ giảm sự tập trung vào tình huống đau đớn khi lâm bồn. Trị liệu PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn) sử dụng thôi miên có thể đem đến nhiều tác dụng trong việc dẫn dắt một cá nhân vượt qua những ký ức đầy cảm xúc như bị lạm dụng để xác định các tác nhân (triggers) và thay đổi phản ứng. Kỹ thuật thôi miên thường được thực hành cùng các phương pháp như liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT) và trị liệu tâm động học, tất cả đều là những cách rất hiệu quả trong trị liệu PTSD.

Một số người hút thuốc lá đã thực hành liệu pháp thôi miên trong việc hạn chế ham muốn và cơn thèm nicotine của họ. Với khả năng trị liệu tốt dựa trên khả năng tiếp nhận thôi miên, có rất nhiều câu chuyện thành công sau khi thực hành liệu pháp thôi miên trong trị liệu tâm lý, và thôi miên đã được khuyến nghị bởi Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ. Sau một ca, việc thôi miên có thể khiến thân chủ tạm thời mất đi khả năng trích xuất một số thông tin từ bộ nhớ (các thông tin đã được lưu trữ cẩn thận), và hiện tượng này gọi là posthypnotic amnesia (Tạm dịch: hiện tượng mất trí nhớ/hiện tượng tạm quên sau thôi miên). Sự lãng quên tạm thời này có thể ảnh hưởng tới hành vi, suy nghĩ, và các hoạt động của thân chủ. Những người có khả năng tiếp nhận thôi miên cao sẽ đáp ứng tốt với liệu pháp này.

Tất cả phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận ám thị (không phải việc được thôi miên)

Thôi miên là một quá trình trong đó không có sự tham gia của khả năng tư duy bậc cao (high-level thought). Điều này đã được phát hiện khi các nhà khoa học so sánh thôi miên với phương pháp thiền của Phật giáo Tây Tạng (Tibethan Buddhist meditation). Bên cạnh điểm chung là cả hai đều đòi hỏi việc tập trung để dẫn tới một buổi thiền/thôi miên hiệu quả, hai trạng thái ý thức biến đổi này có sự khác nhau rõ rệt. Khi thiền được phát triển dựa trên chánh niệm (mindfulness) và khả năng tự giám sát (self-monitoring), thì thôi miên dựa trên khả năng tiếp nhận ám thị của cá nhân, cũng như sự chú ý của người đó tới các cảm nhận chi tiết trong giác quan mà họ được dẫn dắt để tưởng tượng hoặc nhìn vào.

Nhiều người cho rằng [thôi miên] là một trạng thái yếu kém trong nhận thức của con người, khả năng dễ dàng tiếp nhận các ám thị gây ảnh hưởng tới trí nhớ vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Những điều mà mọi người nói với chúng ta về những ký ức chung có tác động tới mức độ tự tin trong việc ghi nhớ một ký ức, và chúng ta luôn có thể “cấy ghép” những ký ức sai lệch bằng những lời gợi ý/ám thị, mà không nhất thiết phải ở trong trạng thái thôi miên. Ví dụ, những ký ức chớp nhoáng hoặc ký ức về các sự kiện khơi dậy cảm xúc có thể trở nên kém tin cậy hơn theo thời gian, ngay cả khi chúng ta vẫn có ít nhiều sự tự tin vào ký ức đó, và những ký ức sai lệch có thể được nhắc lại. Ta có thể thấy qua các nghiên cứu về sự kiện đau thương như sự kiện ngày 11/0 hay vụ nổ Challenger. Do đó, trí nhớ của chúng ta vẫn có thể mắc sai lầm, và việc thôi miên tạo ra ký ức sai lệch là không chính xác. Do đó, ta không cần quá sợ hãi vào các nhà thôi miên, bởi họ không thể “phù phép” hay “cấy ghép” những ký ức sai lệch vào đầu bạn được.

Thôi miên vẫn thường xuyên được mô tả như một sự thao túng mơ hồ, hoặc các kỹ thuật tương tự với mind control trong văn hoá đại chúng. Và phần lớn thời gian, công chúng yêu thích tìm hiểu “mặt trái” và những điều tiêu cực trong mọi thứ. Truyền thông đại chúng ưa chuộng hình tượng về thôi miên như một kỹ thuật thao túng tâm lý, trong khi trên thực tế, bạn có thể quan sát được những đặc trưng của trạng thái thôi miên khi bạn đắm chìm vào một cuốn sách, hay nhìn chằm chằm một vật gì đó quá lâu. Nếu mục tiêu của một ca thôi miên là phục hồi ký ức, những ký ức sai lệch có thể xuất hiện, không phải vì chúng ta rơi vào trạng thái thôi miên, mà bởi thôi miên được thực hiện bởi những lời ám thị – “kẻ” đứng đằng sau những ký ức sai lệch. Khả năng tiếp nhận thôi miên và thoát ra khỏi trạng thái thôi miên có sự khác biệt ở mỗi người. Khi được ứng dụng trong tâm lý trị liệu, thôi miên có thể giúp làm giảm bớt các triệu chứng lo âu và đau đớn. Thôi miên không phải hoạt động lừa đảo hay ép buộc, và ta nên nhìn nhận nó như một phương pháp hiệu quả để khám phá thêm về nhận thức của con người.

Tham khảo:

Daniel L. Schacter, Joan Y. Chiao, and Jason P. Mitchell (2003) The Seven Sins of Memory, Implications for Self Department of Psychology, Harvard University. http://jasonmitchell.fas.harvard.edu/Papers/2003_Schacter_SevenSinsSelf.pdf

Kihlstrtom, John F. (2014) Hypnosis and Cognition Psychology of Consciousness: Theory, Research, and Practice 2014, Vol. 1, No. 2, 139-152 Unversity of California, Berkeley. https://www.ocf.berkeley.edu/~jfkihlstrom/PDFs/2010s/2014/Kihlstrom_HypConsciousness_2014.pdf

Frederique, Robin, (May 2018) Hypnosis and False Memories. Psychology of Consciousness: Theory, Research, and Practice. https://www.researchgate.net/publication/324928484_Hypnosis_and_False_Memories

Williamson A. What is hypnosis and how might it work? Palliat Care 2019; 12: 1–4. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6357291/

University of Turku. (2021, March 26). Hypnosis changes the way our brain processes information. ScienceDaily. Retrieved April 24, 2022 from http://www.sciencedaily.com/releases/2021/03/210326122743.htm

Aguado, Jose Fernández, Pehuén Institute of Psychology, Barcelona, Spain. Psychological Manipulation, Hypnosis, and Suggestion International Journal of Cultic Studies, Vol. 6, 2015, 48-59. https://www.icsahome.com/articles/psychological-manipulation

Lynn, Steven Jay, Kirsch, Irving, Terhune, Devin B., Green, Joseph P (August 11, 2020) Myths and misconceptions about hypnosis and suggestion: Separating fact and fiction Applied Cognitive Psychology / Volume 34, Issue 6 / p. 1253-1264. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/acp.3730

Tull, Matthew, PhD (June 25, 2020) Hypnotherapy for PTSD Verywellmind: PTSD: treatment. https://www.verywellmind.com/how-effective-is-hypnosis-in-treating-ptsd-2797256

Bài viết được dịch từ nguồn: Phoebe Rose Elliott – False memories and hypnosis: What is to blame for distortion in memory? web.colby.edu

Về House of Hypnosis

House of Hypnosis Vietnam là dự án chia sẻ kiến thức khoa học về Thôi miên Trị liệu (Hypnotherapy) và Sức khoẻ Tâm thần cho người Việt.

error: Nội dung thuộc sở hữu của House of Hypnosis. Vui lòng không sao chép, in ấn, lưu trữ khi chưa có sự cho phép của đội ngũ chúng tôi. Cảm ơn bạn.