Khi sức khỏe tâm thần đi xuống

suc-khoe-tam-than-mental-health

Cùng phân biệt hai khái niệm Sức khỏe tâm thần (mental health) và Rối loạn tâm thần (mental illness) qua những hiểu lầm phổ biến.

Trong cuộc sống ngày nay, stress, lo âu hay trầm cảm dường như đã trở thành những từ khóa không còn xa lạ. Ở một vài giai đoạn, chúng ta hẳn đã từng trải qua cảm giác căng thẳng, tâm trạng buồn rầu, hay khí sắc thất thường. Đôi khi, ta có thể thấy rõ lý do cho sự thay đổi. Đó có thể là kỳ thi lớn sắp tới, lượng công việc tăng lên bất thường, sự ra đi của người thân yêu hay vì mới chuyển sang chế độ ăn uống mới,… Tuy vậy, không phải lúc nào ta cũng tìm thấy một lý do hợp lý cho những biểu hiện trên. Và điều này cũng hàm chứa một vài dấu hiệu cho thấy ta cần sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý.

Thế nhưng, đâu là ranh giới giữa việc sức khỏe tâm thần đi xuống và rối loạn tâm lý/tâm thần nghiêm trọng? Có những dấu hiệu nào giúp chúng ta tự nhận biết hay không?

Trong phần 1, chúng ta sẽ cùng phân biệt hai khái niệm Sức khỏe tâm thần (mental health) và Rối loạn tâm thần (mental illness) qua những hiểu lầm phổ biến về chúng. Ở phần tiếp theo, House of Hypnosis sẽ trình bày một số cách nhận biết vấn đề tâm lý nghiêm trọng qua quan sát thông thường, giúp ta quyết định trước khi tìm đến chẩn đoán chuyên nghiệp từ các nhà tâm lý.

Mục Lục

    Sức khỏe tâm thần là gì?

    Bên cạnh nhiều định kiến xung quanh sức khỏe tâm thần, việc sử dụng 2 cụm từ “sức khỏe tâm thần” và “rối loạn tâm thần” với hàm ý tương đương nhau trong nhiều trường hợp cũng làm chúng ta hiểu sai về chúng. Giống như một số người chỉ nhắc tới sức khỏe khi sức khỏe của họ đang có vấn đề (Nếu không có vấn đề, tại sao tôi phải quan tâm?). Đây có thể là một lối suy nghĩ chủ quan đã khiến một số trong chúng ta bỏ qua nhiều dấu hiệu tiềm ẩn cho các vấn đề sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần, ngay từ rất sớm.

    Sức khỏe tâm thần (mental health) dùng để chỉ cảm xúc, sự phát triển bền vững về mặt tâm lý – xã hội của một cá nhân; nó quan tâm tới việc một người suy nghĩ, cảm nhận, và hành động ra sao. Sức khỏe tâm thần cũng là một yếu tố tác động tới cách ta đương đầu với stress, cách ta liên hệ và cảm thông với người khác, và các quyết định ta đưa ra trong cuộc sống thường ngày.

    Sức khỏe tâm thần bao gồm sự phát triển chung cả về mặt tâm lý – xã hội của cá nhân. Ảnh: Lorna Ladril từ Unsplash

    Thế nào là một sức khỏe tâm thần tốt?

    Thế nào là một sức khỏe tâm thần tốt? Đây cũng là điều hay gặp các hiểu nhầm phổ biến ở mọi người.

    Việc có một sức khỏe tâm thần tốt không chỉ dừng lại ở việc không có bất kỳ triệu chứng, hay không phải điều trị rối loạn tâm thần. Có một sức khỏe tâm thần tốt giúp ta ở trong một trạng thái ổn định, cho phép ta cảm nhận được những niềm vui và sự hài lòng với cuộc sống, cùng với đó là khả năng tự phục hồi khi cuộc sống gặp nhiều xáo trộn không như ý.

    Do đó, những người có sức khỏe tâm thần tốt không phải lúc nào cũng là những người luôn lạc quan và mạnh mẽ. Họ vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi những biến cố xung quanh, nhưng họ có khả năng đương đầu với stress, cảm giác thất vọng hay những cảm xúc khó khăn tốt hơn người khác, và phục hồi sau những tổn thương nhanh hơn.

    Cũng như vậy, việc duy trì một sức khỏe tâm thần tốt không hẳn là luôn giữ cho mình được hạnh phúc và luôn vui vẻ. Việc mong đợi bản thân sẽ lạc quan, “tích cực” mọi lúc mọi nơi có thể là một kỳ vọng không thực tế, phi lý, và thậm chí độc hại. Việc phân định rạch ròi cảm xúc tích cực – tiêu cực cũng khiến chúng ta có xu hướng chối bỏ các cảm xúc được gán nhãn “tiêu cực”. Tuy nhiên, ta cần hiểu rằng những cảm xúc như sợ hãi, lo âu, tuyệt vọng hay tức giận đều là những cảm xúc bình thường, và thậm chí hoàn toàn chấp nhận được trong nhiều hoàn cảnh. Điều giúp chúng ta có được một sức khỏe tâm thần tốt, có lẽ là việc học cách chấp nhận và phản ứng với các cảm xúc theo đúng ý chúng ta hơn, và không để chúng ảnh hưởng quá nhiều tới khả năng hoạt động, sinh hoạt hằng ngày của chúng ta.

    Có lẽ việc đánh đồng sức khỏe tâm thần tốt với thái độ phải luôn tích cực, lạc quan đã tạo ra hiện tượng toxic positivity (tích cực độc hại) mà mọi người đang nhắc đến thường xuyên. Ảnh: naeye.net

    Do vậy, chúng ta hẳn đã từng trải qua nhiều giai đoạn mà sức khỏe tâm thần đi xuống, nhưng không được chẩn đoán đó là một căn bệnh hay một rối loạn nghiêm trọng. Cũng như vậy, một người được chẩn đoán có rối loạn tâm thần, vẫn có thể trải nghiệm trạng thái ổn định về thể chất, tinh thần và xã hội.

    Rối loạn tâm thần

    Chúng ta luôn gặp những thăng trầm trong cuộc sống có thể làm tinh thần của ta chao đảo. Thế nhưng, các rối loạn tâm thần không chịu tác động hoàn toàn từ những biến cố đó. Chúng được coi là những thách thức lớn cho sức khỏe tâm thần của chúng ta, với tính chất phức tạp, vượt lên trên những gì ta có thể quan sát trong cuộc sống thường ngày.

    Ảnh: Tengyart từ Unsplash

    Có một sự khác biệt lớn giữa trải nghiệm thông thường với các cảm xúc được gán nhãn tiêu cực, và những gì được coi là “bất bình thường” (abnormal) hoặc các mức độ theo thang đo lâm sàng của căng thẳng (distress). Trầm cảm có thể là từ dùng để chỉ một giai đoạn bất thường của khí sắc, và nó khác hoàn toàn với Rối loạn Trầm cảm Chính (Major Depressive Disorder).

    Sự khác biệt giữa việc sức khỏe tâm thần đi xuống và rối loạn tâm thần có thể nhận biết qua việc những cảm xúc tác động ra sao tới cuộc sống của chúng ta. Nếu tâm trạng ủ dột hay lo lắng thường xuyên đã ngăn cản ta làm việc năng suất, mất động lực tới trường học, hay không có nhu cầu giao tiếp với ai trong một thời gian ít nhất là hơn 2 tuần, đó có thể là một dấu hiệu nghiêm trọng cảnh báo ta cần tìm sự can thiệp từ chuyên gia.

    Vậy làm sao để ta có thể nhận biết được các dấu hiệu để lắng nghe bản thân xem ta đang trong một giai đoạn khó khăn, hay ta cần sự trợ giúp từ các nhà tham vấn, trị liệu? Làm sao để tránh việc “tự chẩn đoán” ra các rối loạn tâm thần hiếm gặp luôn được chia sẻ rộng rãi ngày nay? Cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo nhé!

    Nguồn: Dịch và tổng hợp từ nib.com.au, forbes.com


    Về House of Hypnosis

    House of Hypnosis Vietnam là dự án phi lợi nhuận thành lập đầu năm 2022. Chúng tôi hướng tới việc nâng cao nhận thức của người trẻ Việt về các vấn đề sức khỏe tâm lý – tâm thần nói chung, và xóa bỏ định kiến về trị liệu thôi miên tâm lý.

    Thôi miên là một hình thức trị liệu vốn mang nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu được thực hành đúng và có hướng dẫn, chúng tôi tin đây là một giải pháp tích cực, mang lại hiệu quả cho việc điều trị một số rối loạn tâm thần phổ biến ở người trẻ như trầm cảm hay rối loạn lo âu.

    Đăng ký theo dõi bài viết mới nhất của House of Hypnosis tại đây.

    error: Nội dung thuộc sở hữu của House of Hypnosis. Vui lòng không sao chép, in ấn, lưu trữ khi chưa có sự cho phép của đội ngũ chúng tôi. Cảm ơn bạn.