Những Điều Cần Biết Về Mặc Cảm Ngoại Hình Ở Tuổi Vị Thành Niên

mac-cam-ngoai-hinh-tuoi-vi-thanh-nien-house-of-hypnosis

Trong bài viết giới thiệu về Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình (BDD), ta đã biết đến một rối loạn tâm lý liên quan tới cảm nhận sai lệch của bản thân về cơ thể. Dù được ghi nhận với khả năng mắc không phân biệt độ tuổi hay giới tính, nhưng theo APA, những vấn đề tâm lý liên quan tới ngoại hình như BDD có xu hướng xuất hiện nhiều ở người trẻ.

Đối với các bậc phụ huynh hay người làm trong ngành giáo dục phải tiếp xúc thường xuyên với trẻ vị thành niên, ngoại hình và hình ảnh bản thân là chủ đề luôn được nhiều trẻ dành sự quan tâm lớn. Tuy vậy, chưa có nhiều nghiên cứu khoa học hoặc những không gian đối thoại chất lượng giúp cha mẹ, thầy cô, hay giữa học sinh để hiểu hơn về những khó khăn liên quan tới các nhận thức về ngoại hình. Điều này khiến cho những mặc cảm, tự ti, hay những vấn đề tâm lý liên quan tới ngoại hình của trẻ bị xem nhẹ hoặc không được biết tới.

Trong bài viết này, ta sẽ cùng bàn luận về mặc cảm ngoại hình ở tuổi vị thành niên, với những đặc trưng tâm lý ở độ tuổi và những gì phụ huynh, người chăm sóc, dạy dỗ trẻ có thể hỗ trợ và can thiệp.

Mục Lục

    Body image và mặc cảm ngoại hình ở tuổi vị thành niên

    Tuổi vị thành niên thường được biết đến nhiều hơn với tên gọi “tuổi dậy thì”. Đó là giai đoạn mà thường bắt đầu vào năm lớp 7 với con gái, và khoảng lớp 8-9 với con trai. Trong khoảng thời gian này, cha mẹ và chính bản thân trẻ cũng nhận ra sự thay đổi rõ rệt về chiều cao, cân nặng, cũng như nhiều thay đổi trong ngoại hình, cơ thể. Với con gái, đó là sự xuất hiện của kinh nguyệt, cơ thể bắt đầu thành hình giống như một người trưởng thành, với những đường cong và sự nảy nở. Với con trai, đó là hiện tượng sinh tinh, sự phát triển của cơ bắp và hình thể có sự khác biệt rõ rệt với con gái. 

    mac-cam-ngoai-hinh-o-tuoi-vi-thanh-nien-2
    Minh hoạ giai đoạn dậy thì ở nam và nữ giới. Nguồn: google.com

    Nhìn chung, sự thay đổi về ngoại hình và thể chất là những đặc trưng đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn dậy thì của mỗi người. Quá trình nhận thức về hình ảnh và giá trị bản thân trong giai đoạn này cũng khiến cho trẻ vị thành niên dành sự quan tâm lớn tới ngoại hình và cảm nhận của mọi người xung quanh. Đó là lý do mà thời trang, đồ makeup, hay những xu hướng làm đẹp, tập thể hình luôn nhắm tới tệp khách hàng vô cùng “chịu chi” là những người trẻ. 

    Tuy nhiên, những thay đổi được nhắc đến ở trên chỉ là theo lý thuyết. Chúng ta luôn thấy rất nhiều “trường hợp ngoại lệ”, những “late bloomer”, với quá ít thay đổi và các biểu hiện giống như những gì đã được biết đến. Và đôi khi điều này dẫn đến những tổn thương không đáng có cho nhiều trẻ vị thành niên. 

    Những thương tổn này có thể xuất phát từ các yếu tố bên khác như sức khỏe, cơ địa, mối quan hệ với gia đình, trường lớp, hay các tiêu chuẩn chung của xã hội, văn hóa xung quanh. Vậy nhưng, vì sao cùng trong những hoàn cảnh tương đồng, phản ứng của nhiều trẻ lại có sự khác biệt như vậy? Đó là lúc chúng ta cần nhìn nhận về sự hình thành body image của mỗi cá nhân. 

    Body image là gì?

    Body image, hay còn được thường biết đến với cái tên “tự cảm nhận cơ thể”, là những gì cá nhân nghĩ và cảm nhận về cơ thể của bản thân. Body image được cấu thành từ hoạt động tâm trí của chủ thể đối với những yếu tố đến từ bên trong (cơ địa, sức khỏe, tính cách) và những yếu tố bên ngoài từ xã hội, ví dụ như ánh nhìn của người khác về ngoại hình của bản thân. Body image có thể tạo ra một ấn tượng tiêu cực hoặc tích cực tùy vào mỗi cá nhân. Tài liệu về chứng Rối loạn Ăn uống của Chính phủ Úc xác định 4 khía cạnh của body image bao gồm: 

    1. cách mình nhìn nhận về cơ thể của bản thân
    2. những cảm xúc mình có về cơ thể
    3. cách mình nghĩ về cơ thể mình,
    4. những hành vi của bản thân liên quan đến cơ thể
    mac-cam-ngoai-hinh-o-tuoi-vi-thanh-nien-3
    Minh hoạ khái niệm body image. Nguồn: google.com

    Body image được hình thành từ khi chúng ta con còn nhỏ, và body image luôn thay đổi tương ứng theo độ tuổi và những trải nghiệm khi lớn lên. Đặc biệt, ở độ tuổi dậy thì, với những thay đổi rõ rệt trong ngoại hình và nhận thức, trẻ vị thành niên thường sử dụng những tiêu chuẩn chung như cân nặng, chiều cao, hay số đo cơ thể, để xác định một phần nào đó mối quan hệ giữa bản thân và cơ thể của mình.

    Khi body image gặp gỡ tiêu chuẩn ngoại hình

    Trong độ tuổi dậy thì, rất khó để trẻ vị thành niên có được ngay một hình dung rõ ràng về bản thân. Mọi thứ dường như chỉ mới bắt đầu, trong hành trình để trẻ tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?” trong mối quan hệ giữa mọi người, hay “Tôi trông thế nào?” khi đứng trước gương soi. Theo tâm lý học xã hội, khi ta có cái nhìn không rõ ràng về bản thân, ta thường có hành vi so sánh mình với người khác để “tham khảo” và dần hình thành những tiêu chuẩn để uốn nắn body image của mình.

    Vậy, chúng ta thường tìm đến những “nguồn tham khảo” tại đâu?

    Tiêu chuẩn cái đẹp

    Khi bước vào tuổi vị thành niên, trẻ bắt đầu chủ động hoặc bị động quan tâm tới các tiêu chuẩn về cái đẹp. Chúng giống như những quy luật bất thành văn được chúng ta nhận biết, thông qua việc quan sát cách mọi người đối xử, bàn luận, và phản ứng dựa trên những khác khác biệt trong ngoại hình. Chúng ta biết được thế nào là một ngoại hình đẹp, dựa trên sự chú ý của người khác, lời khen ngợi, và những khác biệt trong cách cư xử với một người được cho là “đẹp”, ở các mối quan hệ xung quanh, trên phim ảnh, hay những người mẫu liên tục xuất hiện trên tạp chí. Dựa vào đó, mỗi người lại có sự điều chỉnh trong cách ăn mặc, chải tóc, cư xử, với mong muốn được chấp nhận và quan tâm từ người khác. Cũng như thế, chúng ta biết được cách để thể hiện cá tính, bản sắc cá nhân, thông qua trang phục, makeup, và tỉ lệ cơ thể theo tiêu chuẩn mà bản thân kỳ vọng.

    Không phải ai cũng đón nhận tiêu chuẩn cái đẹp chung một cách dễ dàng. Có những trẻ liên tục cố gắng để có hình thể và phong cách đúng với những gì mọi người xung quanh kỳ vọng, hay chính trẻ kỳ vọng. Sự cố gắng đôi khi có thể khiến trẻ đạt được nhiều phần thưởng xứng đáng, như vóc dáng chỉn chu, gọn gàng, sự để ý của những người bạn khác giới, hay những tấm ảnh đẹp trên mạng xã hội. Nhưng đôi khi, chúng có thể tạo ra sự ám ảnh và những áp lực không đáng có, khiến cho trẻ liên tục tìm những cách giữ dáng không lành mạnh, chi tiêu quá mức vào quần áo, trang sức, hay liên tục thèm khát chú ý của mọi người. Có những trẻ cảm thấy sợ hãi và tự ti trước những tiêu chuẩn, và trở nên thu mình, chán ghét bản thân. Điều đó có thể biểu hiện trong việc “đoạn tuyệt” những quan tâm liên quan tới ngoại hình, chăm sóc cơ thể, nhịn ăn/ăn quá nhiều, ngại việc giao tiếp và kết nối xã hội, có xu hướng tự chỉ trích hay thích chỉ trích, đánh giá người khác,… Đôi khi, có những trẻ không quá bận tâm với những thay đổi trong ngoại hình và những gì xã hội kỳ vọng về cái đẹp, và điều đó hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, những áp lực và đánh giá từ bạn bè, gia đình, lại khiến cho các em áp lực, nghi ngờ bản thân, hay có những thay đổi để chiều lòng người khác mà chưa chắc đã đúng ý các em.

    Mạng xã hội

    Mạng xã hội là một công cụ đặc biệt, dần đóng vai trò quan trọng giúp chúng ta hiểu về tâm tư của trẻ vị thành niên. Trong các mạng xã hội phổ biến hiện nay, người trẻ vẫn là đối tượng sử dụng đông đảo. Đặc biệt với các mạng xã hội như TikTok, Facebook, hay Instagram, nơi thuật toán chú trọng vào phần nhìn với video, hình ảnh, đã luôn được người trẻ yêu thích và sử dụng thường xuyên. Đây là không gian giúp trẻ được thể hiện bản thân, kết nối với mọi người chung sở thích, đam mê, hay tìm ra cộng đồng cho riêng mình. Đây cũng là một cổng thông tin tuyệt vời giúp người trẻ cập nhật xu hướng, tìm ra phong cách phù hợp với bản thân, không phải giới hạn trong những tiêu chuẩn mà cộng đồng, văn hóa nơi mình đang sinh sống.

    Giống như tương tác ngoài đời thực, trẻ vị thành niên dựa vào những tương tác, bình luận, và nội dung người khác chia sẻ trên mạng xã hội để hiểu thêm về cách bản thân nên thể hiện ra sao. Tuy nhiên, nhiều người đã coi nhẹ những ảnh hưởng từ “mạng ảo”, đặc biệt là tác động của chúng trong việc hình thành nhân cách và body image của trẻ vị thành niên. Đó là những trường hợp trẻ thường xuyên bất an khi so sánh với những hình ảnh thành công, xinh đẹp của bạn đồng trang lứa khi lướt mạng xã hội liên tục hàng giờ đồng hồ. Đó là những trẻ mong muốn thể hiện bản thân bằng việc “sống ảo” với ngoại hình và những giá trị không đồng nhất với hình ảnh thực tế, nhằm nhận được sự công nhận của bạn bè hay người lạ. Đó là những áp lực mà tự thân hoặc cộng đồng kỳ vọng lên người khác, rằng phải có một trang cá nhân trông chuyên nghiệp, cá tính, liên tục cập nhật với hình ảnh rõ ràng, quần áo chỉn chu,… những sự đầu tư có lẽ là quá mức cần thiết với nhiều người.

    Ngày càng nhiều nghiên cứu quan sát tác động tiêu cực của mạng xã hội lên sức khỏe tâm thần của trẻ vị thành niên. Và hẳn nhiên việc tiếp xúc với những hình ảnh được chỉnh sửa kỹ càng, không thật hay những chia sẻ luôn luôn tích cực, đã khiến cho trẻ có áp lực thể hiện. Dần dần, khả năng mắc các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, hay rối loạn mặc cảm ngoại hình của trẻ vị thành niên hiện nay ngày càng cao.

    mac-cam-ngoai-hinh-o-tuoi-vi-thanh-nien-4
    Minh hoạ về mối liên quan giữa mạng xã hội và tiêu chuẩn cái đẹp. Nguồn: google.com

    Nhìn nhận tiêu chuẩn bằng góc nhìn khác

    Những ám ảnh quá mức về tiêu chuẩn ngoại hình đã khiến cho nhiều người có ác cảm với các tiêu chuẩn, hoặc có xu hướng không quan tâm tới ngoại hình. Tuy nhiên, vấn đề đôi khi không nằm ở việc đó là những tiêu chuẩn tốt hay xấu, mà chúng dựa vào những gì chúng ta quan sát và tiếp thu.

    Ta có thể lấy ví dụ về vóc dáng “thừa cân” và vóc dáng “chuẩn”, “gầy”. Một lập luận phổ biến trong việc vì sao những người được cho là “thừa cân” cần giảm là vì lý do sức khỏe – những người thừa cân có nguy cơ mắc nhiều bệnh hơn người có vóc dáng được cho là cân đối. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải những ai có vóc dáng thon gọn, mảnh mai đều “khỏe”. Họ có thể đang phải chống chọi với rất nhiều vấn đề khác, cũng như họ có thể không hài lòng với chính cơ thể mình. Nhưng với ngoại hình được chấp nhận bởi tiêu chuẩn chung, những vấn đề của họ đã bị xem nhẹ, khi “còn bao nhiêu người mơ ước được cơ thể như vậy”.

    Những tấm ảnh trên mạng xã hội cũng khiến chúng ta rơi vào nhiều chiếc “bẫy” lầm tưởng. Qua những góc chụp được lựa chọn cẩn thận, ta không thể thấy hình ảnh tổng thể của họ, ngoại hình đời thường của họ, hay những khuyết điểm mà họ đã cố che giấu. Điều này khiến cho nhiều người trẻ cố đi theo một tiêu chuẩn vẻ đẹp không thực tế, dẫn đến việc thất vọng, áp lực, kéo theo những vấn đề tâm lý không mong muốn.

    Body image và khủng hoảng tuổi vị thành niên 

    Khủng hoảng tuổi vị thành niên là một dấu hiệu hết sức bình thường trong giai đoạn tuổi dậy thì. Sở dĩ, giai đoạn này được coi là khủng hoảng do những sự thay đổi bất chợt hoặc “không thể kiểm soát được” diễn ra ở cơ thể của thanh thiếu niên. Điều này đồng nghĩa với việc người trẻ sẽ cảm thấy khó khăn trong việc làm quen với một cơ thể mới, và body image thường có xu hướng tiêu cực, không theo kỳ vọng của bản thân.

    Ngoài ra, sự khủng hoảng ở giai đoạn này còn đến từ sự không tương xứng giữa sự trưởng thành của cơ thể và sự non nớt trong nhận thức. Hơn nữa, việc có vóc dáng cao lớn như người trưởng thành ở trẻ lại không đi cùng với những quyền lợi mà một người trưởng thành được hưởng. Trẻ vẫn chịu sự giám sát, chăm sóc, và không được công nhận bởi người lớn. Sự mâu thuẫn và nhập nhằng đó tạo điều kiện cho những biểu hiện “nổi loạn” ở thanh thiếu niên như chống đối cha mẹ, đi ngược lại nội quy trường học, thử các chất kích thích,… Nhiều người cho rằng đây là những biểu hiện thông thường ở độ tuổi vị thành niên, nhưng ít ai nhận ra chúng cũng tới một phần lớn từ cách cư xử của người lớn.

    Nhìn chung, các mối bận tâm liên quan tới cơ thể và ngoại hình ở tuổi vị thành niên là những dấu hiệu hoàn toàn bình thường và lành mạnh. Tuy nhiên, để phát triển một body image tích cực cũng như để trẻ có xây dựng các giá trị và cá tính phù hợp với bản thân, cha mẹ, thầy cô, và môi trường xã hội lại có trách nhiệm vô cùng lớn. 

    Đáng tiếc, ngoại hình lại là một chủ đề chưa được nhiều người đề cập và trao đổi với con em. Thậm chí, đối với nhiều người, đây là một chủ đề “không phù hợp lứa tuổi”, “không quan trọng”, và ngăn cấm trẻ quan tâm. 

    Làm thế nào để hạn chế body image tiêu cực và phòng tránh rối loạn mặc cảm ngoại hình ở tuổi vị thành niên?

    Đối với cha mẹ, người chăm sóc chính của trẻ

    Là những người gần gũi nhất với con, cha mẹ nên dành thời gian tìm hiểu và trò chuyện với con về những thay đổi sắp diễn ra và những gì cha mẹ có thể giúp đỡ. Cha mẹ có thể mua cho con những quyển sách nói về chủ đề này và cùng nhau tìm hiểu.

    Ngoài ra, cha mẹ có thể đồng hành cùng con bằng cách trao đổi về thời trang, mỹ phẩm, tác phong ăn mặc,… để chứng minh rằng là bản thân bố mẹ cũng rất quan tâm đến con và hiểu những giá trị mà con đang hướng tới ở thời điểm hiện tại. Nếu như con không dành quá nhiều hứng thú với ngoại hình, thời trang, hay có những quan điểm khác với cha mẹ về thẩm mỹ, phong cách, cha mẹ cũng không cần quá lo lắng. Việc đưa ra những góp ý mang tính xây dựng sẽ giúp con dần dần thay đổi và định hình được phong cách theo đúng ý mình nhất. 

    Cha mẹ có thể thể hiện sự giúp đỡ và quan tâm thông qua những hành động cụ thể như: 

    • Cho con tự quyết định việc mua sắm quần áo trong một khoản chi tiêu cụ thể 
    • Cùng trao đổi với nhau về các vấn đề liên quan tới gu thẩm mỹ như việc nên hoặc không nên có hình xăm
    • Lắng nghe những chia sẻ của con (nếu có thể) và đưa ra những lời góp ý mà không xúc phạm ngoại hình của con
    • Trao đổi với con về thời gian sử dụng mạng xã hội hợp lý

    Trong trường hợp, nếu những dấu hiệu bất thường và tiêu cực ở con trẻ, như nhịn ăn, tập luyện quá mức hoặc hơn nữa là các hành động tự hại bản thân, bố mẹ cần ghi nhận và quan sát các biểu hiện của con, sau đó trao đổi thêm với giáo viên, và có thể tìm phương pháp can thiệp sớm nhất như tìm gặp bác sĩ hay chuyên gia tâm lý.

    Đối với thầy cô và các tổ chức xã hội, giáo dục 

    Thầy cô hay các đơn vị liên quan có thể tổ chức các workshop hoặc các tiết học phụ đạo về ảnh hưởng của mạng xã hội tới sức khỏe tinh thần và body image, cũng như có những buổi thảo luận mở về tiêu chuẩn cái đẹp. Đặc biệt trong môi trường học đường, ban giam hiệu cũng cần quan tâm tới chính sách, nội quy liên quan đến: 

    • Quy tắc ứng xử và giao tiếp giữa học sinh
    • Trang bị những thông tin cho đội ngũ giáo viên về nhu cầu về ngoại hình của trẻ vị thành niên để có thể quan sát và đánh giá các hành vi của học sinh
    • Những định kiến về ngoại hình đến từ chính đội ngũ của trường, ví dụ như hành vi phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình hoặc ở trong nội quy, quy định nhà trường

    Cùng với đó, các nguồn lực hay đường dây nóng hỗ trợ nên được giới thiệu cho học sinh sinh viên để liên lạc nếu như có thắc mắc về các vấn đề tâm lý liên quan.

    Việc cung cấp thông tin về body image và rối loạn mặc cảm ngoại hình ở tuổi vị thành niên cho các bậc phụ huynh là điều hoàn toàn cần thiết để có những phương pháp can thiệp và phòng tránh sớm nhất có thể. 

    Kết luận

    Tuổi dậy thì là thời điểm ghi nhận những thay đổi quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Đi cùng những thay đổi về ngoại hình, body image trở thành một yếu tố tác động lớn tới cách trẻ nhìn nhận giá trị của bản thân. Ta thấy được rằng để có một body image tích cực và những nhận thức đúng đắn về giá trị bản thân, cũng như để phòng tránh rối loạn mặc cảm ngoại hình ở tuổi vị thành niên, thì gia đình, nhà trường và xã hội đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Cùng với đó, việc hiểu rõ những khó khăn và có những hành động giúp đỡ, đồng hành cùng con trẻ sẽ giúp trẻ vượt qua những khó khăn tâm lý ở tuổi dậy thì, cũng như xây dựng mối quan hệ tốt với con – điều mà không nhiều phụ huynh đã làm được.

    Tham khảo: 

    1. 5 số liệu thống kê mới về giới trẻ và mạng xã hội. (n.d.). Oneway. https://www.oneway.vn/tin-tuc/5-so-lieu-thong-ke-moi-ve-gioi-tre-va-mang-xa-hoi-50341.html
    2. Beauty Standards and its Effects on Body Image | Free Essay Example. (2022, November 22). StudyCorgi.com. https://studycorgi.com/beauty-standards-and-its-effects-on-body-image/
    3. Body Image. (2022, July 19). NEDC. https://nedc.com.au/eating-disorders/eating-disorders-explained/body-image/
    4. Dany, L., & Morin, M. (2010). Image corporelle et estime de soi : étude auprès de lycéens français. Bulletin De Psychologie, Numéro 509(5), 321–334. https://doi.org/10.3917/bupsy.509.0321
    5. Revranche, M., Biscond, M., & Husky, M. M. (2022). Lien entre usage des réseaux sociaux et image corporelle chez les adolescents : une revue systématique de la littérature. L’Encéphale, 48(2), 206–218. https://doi.org/10.1016/j.encep.2021.08.006
    6. Potel, C. (2006). Corps brûlant, corps adolescent. L’Ailleurs Du Corps. https://doi.org/10.3917/eres.potel.2006.01
    7. https://www.apa.org/ed/precollege/undergrad/ptacc/body-dysmorphic-traynor.pdf

    Về House of Hypnosis

    House of Hypnosis Vietnam là dự án chia sẻ kiến thức khoa học về Thôi miên Trị liệu (Hypnotherapy) và Sức khoẻ Tâm thần cho người Việt.

    error: Nội dung thuộc sở hữu của House of Hypnosis. Vui lòng không sao chép, in ấn, lưu trữ khi chưa có sự cho phép của đội ngũ chúng tôi. Cảm ơn bạn.