Những Điều Cần Biết Về Rối Loạn Mặc Cảm Ngoại Hình

Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình, hay còn được biết tới với cái tên Hội chứng sợ xấu, là một rối loạn tâm lý ít được biết đến. Tuy nhiên, trong thời đại của mạng xã hội nơi sự chú ý đổ dồn vào phần nhìn và hình ảnh, những mặc cảm về ngoại hình và áp lực ngày càng được ghi nhận. Đặc biệt ở người trẻ với nhu cầu lớn trong việc thể hiện bản thân và có sự công nhận từ bạn bè, xã hội, sẽ có nguy cơ cao gặp phải hội chứng này.

Mục Lục

    Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder) là gì?

    Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), chứng Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder – BDD) mang đặc trưng là sự ám ảnh đối với một khiếm khuyết tưởng tượng về ngoại hình hoặc đối với các bất thường nhỏ trên cơ thể. 

    Những người được chẩn đoán mắc BDD có thể dành hàng giờ đồng hồ để “soi” vị trí trên cơ thể mà họ cho là xấu xí, lệch lạc. Họ liên tục kiểm tra, cố gắng che giấu, sửa chữa, hoặc hỏi người khác xem họ đang trông như thế nào. Hơn cả việc nhận biết các khiếm khuyết, thay đổi qua gương, Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình phát triển giống như cơ chế “cắm chốt” (fixation) ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của người mắc.

    roi-loan-mac-cam-ngoai-hinh-2
    Nguồn: google.com

    Thông thường, người khác khó có thể thấy những khuyết điểm mà người mắc Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình nhìn thấy trên cơ thể của họ. Dù cho người khác có nói rằng họ nhìn ổn hoặc không có bất thường nào trên cơ thể, người mắc Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình không có khả năng chấp nhận rằng vấn đề đó thực sự không tồn tại.

    ** Cơ chế cắm chốt (fixation): Cắm chốt là quá trình chủ thể không muốn dừng những hành vi mang lại cảm giác an toàn và cũng không muốn tiếp nhận những hành vi mới, bởi vì những hành vi mới có thể sẽ không tạo được sự an toàn cần thiết. (Tham khảo: http://ngthienhoang.blogspot.com/)

    Nguyên nhân

    Theo các nghiên cứu của mình, APA cho rằng nguyên nhân gây ra Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình là khó xác định. Tuy nhiên, có một vài yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của BDD như là:

    • Văn hóa: Sống trong xã hội đề cao vẻ đẹp ngoại hình với những tiêu chuẩn khắt khe, không hài lòng, không phù hợp với tiêu chuẩn sắc đẹp trong cộng đồng mà bản thân đang sinh sống;
    • Xã hội: Sử dụng mạng xã hội quá mức làm tăng nguy cơ mắc BDD;
    • Di truyền: Một số nghiên cứu cho rằng BDD có thể được “truyền” lại qua các thế hệ trong gia đình;
    • Hormone: Việc thiếu hormone serotonin có thể lý giải một phần cho việc BDD xảy ra ở một số người;
    • Một số tác nhân khác từ bên ngoài lẫn bên trong cá nhân như tiền sử bị bạo hành, lạm dụng từ nhỏ, bị bắt nạt tại trường học, hay các vấn đề liên quan tới lòng tự trọng, niềm tin bản thân, mối quan hệ của cá nhân với hình ảnh cơ thể,… cũng tác động tới khả năng mắc BDD ở nhiều người.
    roi-loan-mac-cam-ngoai-hinh-3
    Áp lực của tiêu chuẩn xã hội về cái đẹp lên các cá nhân. Nguồn: google.com

    Cùng với đó, một số triệu chứng của BDD có thể rõ rệt hơn ở những người đã có tiền sử mắc Rối loạn Ăn uống (Eating Disorder).

    Dù cho nguyên nhân chính vẫn chưa được xác định, ta cần lưu ý rằng Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình không được gây ra bởi hành vi của cá nhân hay của người khác lên cá nhân đó. Đây là một rối loạn tâm lý cần được can thiệp nghiêm túc. Việc mắc BDD, hay bất kỳ rối loạn tâm lý nào khác, không phải lỗi của cá nhân đó.

    Dấu hiệu và chẩn đoán

    BDD được phân loại trong DSM–IV–TR là một dạng rối loạn dạng cơ thể (somatoform disorder). Tuy nhiên, với những đặc tính tương tự với Rối loạn Ám ảnh Cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Disorder – OCD), BDD được phân loại về nhóm Ám ảnh – Cưỡng chế và các Rối loạn liên quan trong DSM-5.

    Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình có đặc trưng là các mối bận tâm liên quan đến da (mụn, sẹo,…), tóc, hay các khiếm khuyết trên bất cứ bộ phận nào trên cơ thể đều có thể được coi là đáng lo ngại đối với người mắc bệnh. Trong DSM-IV, hội chứng này cũng được mô tả là nguyên nhân của sự đau khổ về mặt tâm lý cũng như gây ảnh hưởng đến các hoạt động xã hội và nghề nghiệp của chủ thể.

    Một số triệu chứng thường thấy ở người được chẩn đoán mắc chứng Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình có thể kể đến như: 

    • Để ý quá mức về ngoại hình. Người mắc BDD gặp khó khăn trong việc dừng các suy nghĩ về những phần trên cơ thể mà họ cảm thấy xấu xí hoặc không ưa. Họ có thể dành nhiều giờ đứng trước gương và săm soi vết mụn, sống mũi, đôi mắt, cặp chân, hay các bộ phận mà họ cho là “khiếm khuyết”.
    • Cảm thấy bất mãn, khó chịu với ngoại hình. Người mắc BDD thường xuyên cảm thấy lo lắng và stress về ngoại hình của mình trong thời gian dài, có thể đi kèm với các triệu chứng chán ăn, mất khả năng tập trung, thờ ơ,…
    • Liên tục kiểm tra và “chỉnh đốn” ngoại hình. Người mắc BDD luôn cảm thấy bản thân cần phải kiểm tra vẻ ngoài của mình. Điều này có thể đi kèm với các hành vi “chỉnh đốn” như cậy da, cậy các vết sẹo, hay là body rocking.
    • Có xu hướng xa lánh xã hội. Người mắc BDD có thể mang cảm giác sợ hãi và không muốn được người khác chú ý đến. Họ có thể thường xuyên ở nhà, make-up thường xuyên (dù họ có thể không muốn make-up thường xuyên), sử dụng mũ, quần áo rộng để không lộ ra hình dáng cơ thể. Một số người mắc BDD tránh né gương để không phải nhìn thấy hình ảnh bản thân mình.
    • Có niềm tin sai lệch về hình ảnh cơ thể. Những gì mà người mắc BDD coi là khiếm khuyết lại khó được nhận ra bởi người khác, hoặc không được coi là một khiếm khuyết nghiêm trọng. Họ cảm thấy bản thân thật xấu xí, dù có thể điều đó không phải sự thật, hoặc không ai nói với họ như thế. 

    Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng chỉ có các chẩn đoán từ các chuyên gia y tế hoặc nhà tâm lý mới xác nhận được liệu một người có đang mắc BDD hay không. Việc xuất hiện một trong số các triệu chứng kể trên không đồng nghĩa với việc bạn đang mắc Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình, vì (1) một rối loạn tâm lý phải được xác định bởi sự xuất hiện của đa số hoặc các triệu chứng; (2) có nhiều vấn đề sức khỏe khác có cùng chung các dấu hiệu lâm sàng, và (3) triệu chứng của tất cả mọi người không nhất thiết phải giống nhau. Vì vậy, nếu bạn đọc nghi ngờ mình có khả năng mắc chứng rối loạn mặc cảm cơ thể, bạn cần đến các cơ sở can thiệp, điều trị tâm lý chuyên nghiệp để chẩn đoán. 

    Đối tượng có nguy cơ mắc rối loạn mặc cảm ngoại hình

    Theo các số liệu khoa học, cả nam và nữ đều là các đối tượng có nguy cơ mắc Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình. BDD có thể bắt gặp ở nữ giới nhiều hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là nam giới hoàn toàn miễn nhiễm với hội chứng này. Theo một khảo sát của một nhóm nghiên cứu của Đại Học công nghệ Swinburne tại Úc, với số lượng người tham gia là 49 sinh viên nữ và 27 sinh viên nam đều mắc chứng BDD, kết quả cho thấy cả hai giới đều có những mối quan tâm đặc biệt (và đồng đều) đối với da, tóc và các bộ phận trên khuôn mặt như mũi, môi, mắt. Tuy nhiên,  trong khi những người tham gia nghiên cứu là nữ thường bận tâm đến phần chân thì các người tham gia nam lại quan tâm nhiều hơn về cơ bắp và sự rắn chắc của cơ thể. Theo tài liệu của APA, hội chứng này cũng phổ biến hơn ở tuổi vị thành niên. 

    roi-loan-mac-cam-ngoai-hinh-4
    Minh hoạ các bận tâm của người mắc Rối Loạn Mặc cảm ngoại hình ở nam và nữ. Nguồn: HealthMatch

    Hậu quả

    Về mặt cơ thể, cá nhân Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình thường có thói quen cậy da (skin picking) và điều đó có thể gây nhiễm khuẩn. Ngoài ra, người với rối loạn mặc cảm ngoại hình có khả năng mắc thêm hội chứng rối loạn ăn uống (có thể dẫn đến 2 cực hoặc là chán ăn hoặc là thèm ăn). Người mắc BDD có thể có mối quan hệ không lành mạnh đối với phẫu thuật thẩm mỹ và có những thói quen không cần thiết.

    Để nói về các ảnh hưởng về mặt xã hội, người được chẩn đoán BDD thường cảm thấy xấu hổ, cô đơn, bị cô lập, vv. Các tương tác xã hội, đặc biệt với những người đồng trang lứa sẽ khó khăn hơn. Từ đó, họ sẽ cảm thấy chật vật trong việc duy trì các mối quan hệ xã hội. Đối với học sinh sinh viên, hội chứng này có thể dẫn đến các hành vi trốn tránh trường học hoặc nơi làm việc, hoặc cũng có thể là sự ì trệ quá đáng. Điều đó cũng đồng nghĩa với hiệu quả học tập và làm việc cũng tụt dốc theo.

    Một số phương pháp can thiệp phổ biến

    Can thiệp bằng thuốc 

    Trong một số trường hợp dưới sự cho phép của bác sĩ tâm thần, thuốc fluoxetine được kê đơn để can thiệp và các triệu chứng của Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình. Đây là một trong các loại thuốc chống trầm cảm (antidepression) và việc sử dụng chúng đương nhiên luôn đi kèm với các tác dụng phụ. Theo trang NHS, cần phải đến 12 tuần để thuốc có tác dụng lên các triệu chứng của rối loạn này. Trong bất cứ trường hợp nào mà bạn cảm thấy thuốc không có tác dụng như được chỉ định, bạn nên nhanh chóng liên lạc bác sĩ đã kê đơn hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất.

    Trị liệu Nhận thức – Hành vi (Cognitive-Behavioral Therapy – CBT)

    Trị liệu Nhận thức – Hành vi (Cognitive-Behavioral Therapy – CBT) là một trong những cách can thiệp tiềm năng đối với chứng Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình. Phương pháp trị liệu có mục đích tác động đến phần nhận thức (cognitive) và phần hành vi (behavior) của người mắc BDD. Nói cách khác, liệu pháp này có thể tái tạo lại nhận thức của thân chủ bằng cách thay đổi suy nghĩ và niềm tin của người đó về vẻ đẹp ngoại hình. Cùng với liệu pháp tiếp xúc và phòng tránh phản hồi cũ (exposure and response prevention), CBT giúp làm giảm sự xuất hiện của các hành vi né tránh hoặc cưỡng chế của người mắc BDD. Các nghiên cứu về thần kinh cũng đồng tình về cách thức của CBT.

    Một số phương pháp can thiệp khác 

    Một gợi ý trị liệu khác có thể có hiệu quả trong trị liệu chứng Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình là trị liệu liên cá nhân (interpersonal treatment). Theo cách tiếp cận này, các nghiên cứu cho rằng người mắc BDD đã phải trải qua những sự bạo hành cảm xúc, các lo âu xã hội hay các xung đột liên cá nhân. Mục đích của cách trị liệu này là giúp người mắc phát triển các kỹ năng giảm sự lo lắng, sự tự ti và cảm giác u sầu, đây là ba yếu tố giúp duy trì vấn đề liên quan đến hình ảnh cơ thể.

    Hiện nay, Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình vẫn còn chưa được chẩn đoán nhiều (underdiagnosed) ở các phòng khám lâm sàng. Vì vậy chúng ta vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về BDD. Điều này cũng tạo áp lực cho các nhà nghiên cứu trong việc tìm ra một phương thức chữa trị thực sự phù hợp và hiệu quả.

    Cần làm gì khi nghi ngờ bản thân/ người thân mắc Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình?

    Nếu bạn đang nghi ngờ bản thân hoặc người quen đang gặp Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình:

    • Tìm đến nhà tâm lý, các trung tâm hỗ trợ tâm lý, bệnh viện để có những chẩn đoán chính xác.
    • Ghi nhận các dấu hiệu của bản thân trong hơn 2 tuần trở lại đây.
    • Nếu bạn là người thân của người đang nghi ngờ mắc BDD, bạn có thể trò chuyện với nhà tâm lý để biết cách hợp tác, can thiệp tích cực với bạn bè, người thân.
    • Trò chuyện về vấn đề của bạn, hoặc chủ động trò chuyện với người thân nghi ngờ mắc BDD về vấn đề hiện tại. Lắng nghe và giao tiếp, cũng như chủ động đề xuất những phương án mà bạn có thể mong muốn hỗ trợ/được hỗ trợ.
    • Hãy kiên nhẫn. Việc nhận diện và đối mặt với vấn đề dù là một bước tiến lớn, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể giải quyết được vấn đề tâm lý về lâu về dài.
    roi-loan-mac-cam-ngoai-hinh-5
    Nguồn: google.com

    Các nguồn lực hỗ trợ tại Việt Nam

    Nếu nghi ngờ bản thân xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng của chứng Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình, bạn đọc có thể tham khảo một số địa chỉ trị liệu tâm lý hoặc bệnh viện có khoa tâm thần để được chẩn đoán và hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.

    Một số địa chỉ bạn có thể tham khảo tại Việt Nam bao gồm:

    1. Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai

    Địa chỉ: Tòa nhà T4, T5, T6 Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai; Số 78 đường Giải phóng, Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội

    Điện thoại: 024 38522087 – 02435765344 – 0984104115

    Email: vskttqg@vnn.vn

    Website: http://nimh.gov.vn/

    Chuyên đề tâm thần: http://nimh.gov.vn/category/chuyen-de-tam-than/

    1. Bệnh viện Tâm thần TP. HCM

    Địa chỉ: 

    • Cơ sở 1: 766 Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, TPHCM
    • Cơ sở 2: Ấp 6, Xã Lê Minh Xuân, Huyện Bình Chánh, TPHCM
    • Cơ sở 3: 165b Phan Đăng Lưu, Phường 1, Phú Nhuận

    Điện thoại: (028) 9234675 / 1900 9095

    1. Hanoi Counseling Psychology Group

    Facebook: @hanoicounseling

    Email: counselinginhanoi@gmail.com

    Website: http://hanoicounselingpsychology.com/our-services-2

    1. Ladies of Vietnam

    Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà 666/46/29 Đường 3/2 P. 14, Quận 10, HCMC

    Điện thoại: +84 89 934 44 78

    Email: info@ladiesofvietnam.net

    Website: https://www.ladiesofvietnam.net/

    1. Tâm lý MindCare

    Địa chỉ: Số 35 Hoàng Diệu, Phường 12, Quận 4, TP.HCM

    Điện thoại: 0828.77.22.33 (dịch vụ đánh giá, tham vấn trị liệu tâm lý cá nhân/gia đình) 0877.16.33.66 (dịch vụ cho trường học/doanh nghiệp)

    Email: tamlymindcare@gmail.com

    Website: https://mindcare.vn/

    Facebook: https://www.facebook.com/mindcare.vn

    Kết luận

    Chưa có nhiều số liệu nghiên cứu về tỷ lệ mắc Rối loạn Mặc cảm Ngoại hình tại Việt Nam cũng như ở đối tượng cụ thể là người trẻ hay trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, hiểu biết về các rối loạn tâm lý có thể xảy ra là bước quan trọng trong việc nhận diện vấn đề của bản thân, bạn bè, người quen, giúp ta tìm cách hỗ trợ tốt hơn trong tương lai.

    roi-loan-mac-cam-ngoai-hinh-6
    Nguồn: google.com

    Tham khảo

    1. APA Dictionary of Psychology. (n.d.). https://dictionary.apa.org/body-dysmorphic-disorder
    2. Bjornsson, A. S., Didie, E. R., & Phillips, K. A. (2010). Body dysmorphic disorder. Dialogues in Clinical Neuroscience, 12(2), 221–232. https://doi.org/10.31887/dcns.2010.12.2/abjornsson
    3. Evans, J. R. (2018, August 15). What is Body Dysmorphic Disorder (BDD)? Healthline. https://www.healthline.com/health/body-dysmorphic-disorder
    4. https://kidshealth.org/en/parents/bdd.html
    5. https://www.apa.org/ed/precollege/undergrad/ptacc/body-dysmorphic-traynor.pdf
    6. https://www.google.com/url?q=https://www.apa.org/ed/precollege/undergrad/ptacc/body-dysmorphic-traynor.pdf&sa=D&source=docs&ust=1676527183388969&usg=AOvVaw1hiVsFTV_9JAo_-sDgSump 

    Về House of Hypnosis

    House of Hypnosis Vietnam là dự án phi lợi nhuận thành lập đầu năm 2022. Chúng tôi hướng tới việc nâng cao nhận thức của người trẻ Việt về các vấn đề sức khỏe tâm lý – tâm thần nói chung, và xóa bỏ định kiến về trị liệu thôi miên tâm lý.

    Thôi miên là một hình thức trị liệu vốn mang nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu được thực hành đúng dưới sự can thiệp của nhà trị liệu chuyên nghiệp, chúng tôi tin đây là một giải pháp tích cực, mang lại hiệu quả cho việc điều trị các vấn đề tâm lý phổ biến hiện nay như trầm cảm, rối loạn lo âu, kiểm soát cân nặng, mất ngủ,…

    Bài viết khác

    error: Nội dung thuộc sở hữu của House of Hypnosis. Vui lòng không sao chép, in ấn, lưu trữ khi chưa có sự cho phép của đội ngũ chúng tôi. Cảm ơn bạn.