Các nền tảng mạng xã hội đang dần trở thành các bác sỹ tâm thần bất đắc dĩ cho Gen Z tự chẩn đoán các vấn đề tâm lý. Vì sao lại như vậy?
Một năm sau khi đại dịch bắt đầu, vào một ngày, đứa con gái tuổi teen của một người bạn của tôi đã thông báo (một cách quả quyết) rằng cô bé mắc Hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) và cần đi điều trị. Mẹ cô đã kể lại với tôi trong tâm trạng đầy lo âu. Người bạn của tôi cũng bày tỏ sự nghi ngại rằng chẩn đoán chưa chắc đã chính xác. Tuy nhiên, cô bé đó lại hoàn toàn tin vào các dấu hiệu. Cô đã tìm hiểu chúng trên mạng, và không cảm thấy bất kỳ nhu cầu nào để suy ngẫm hay cân nhắc sâu xa hơn.
Trẻ vị thành niên và sinh viên tại Mỹ đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm lý chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Đối lập với thái độ quyết liệt phủ nhận các vấn đề tâm lý của thế hệ ông bà cha mẹ, nhu cầu to lớn của Gen Z để nhận diện và điều trị các khó khăn, rối loạn trong cảm xúc ngày càng có thể thông cảm, và được khuyến khích nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần học cách phân biệt giữa tự gán nhãn bản thân (self-labeling) và sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Đặc biệt khi các chẩn đoán và can thiệp, dù chuyên nghiệp đến đâu, cũng khó đạt tới hiệu quả hay độ chính xác 100%.
Lỗi không nằm ở riêng TikTok
Con người là sinh vật dễ dàng bị ám thị. Chúng ta đã phần nào hiểu được qua hai năm lúng túng với việc “ngoáy mũi” xét nghiệm và các thông tin rỉ tai nhau về vi rút mới. Việc bị ám thị không làm ảnh hưởng tới thực tại mà ta đang cảm thấy. Nhưng ta cần hiểu rằng đôi khi các niềm tin được xây dựng chóng vánh từ các ám thị có thể tạo ra và kích thích các triệu chứng ngăn cản quy trình chẩn đoán chuyên nghiệp. Và với trường hợp của trẻ vị thành niên, với nhu cầu chính đáng trong việc thể hiện bản thân trong các nhóm bạn bè đồng trang lứa, và dành thời gian tối thiểu 7 tiếng trên mạng xã hội, thì vô cùng đặc biệt.
Trong bài viết gần đây cho Bệnh viện Sức khỏe Hành vi Banner, bác sỹ tâm thần Adeola Adelayo đã ghi nhận sự gia tăng đáng lo ngại về các ca rối loạn Tic1 ở trẻ vị thành niên nữ. “Chúng tôi đã tiếp nhận sự bùng nổ của các ca rối loạn Tic Tourette trong địa phương, và mọi ca đều có liên quan tới việc xem hàng loạt các video TikTok nói về những người mắc hội chứng Tourette,” bà nói. “Những đứa trẻ này không hề mắc hội chứng Tourette, nhưng chúng cũng không giả vờ để vào bệnh viện. Chúng đang gặp phải rối loạn chức năng vận động như một hệ quả của stress, và chắc chắn tiềm ẩn nguyên nhân từ lo âu hoặc trầm càm mà chưa được chẩn đoán kỹ càng.”
Tương tự, một bài viết trên trang Wall Street Journal vào tháng 12 vừa qua đã khám phá vì sao “Các bác sỹ tại khắp nước Mỹ chia sẻ rằng họ đã tiếp nhận nhiều trẻ vị thành niên tới phòng khám, với thông tin tự chẩn đoán trên TikTok,” bao gồm một số vấn đề tâm lý hiếm gặp như rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) và rối loạn đa nhân cách (MPD). Even Lieberman, một nhân viên xã hội lâm sàng tại Minneapolis, cũng đưa ra một góc nhìn khác về hiện tượng này. “Đây giống như một xu hướng,” anh nói, “về việc sử dụng chẩn đoán sức khỏe tâm lý như một sự công nhận xã hội (social currency).”
Khi một thuật toán ghi nhận hoạt động tìm kiếm thông tin mà người dùng liên tục nhấn vào các gợi ý về cùng chủ đề, ở trên một nền tảng nơi các nội dung uy tín từ các chuyên gia và các video KOL không chuyên môn tự chẩn đoán tâm lý được phân bổ lẫn lộn, sẽ rất khó để máy móc hay thậm chí con người phân biệt được đâu là nội dung chính thống và đâu là ví dụ tiêu biểu cho việc lợi dụng “Hiệu ứng Barnum”2 – khi mọi người lấy các thông tin khái quát về gán thành các đặc điểm cá nhân (ví dụ như chiêm tinh học) – để câu tương tác. Và ngay cả DSM – cuốn “kinh thánh” cho dân thần kinh học, tập hợp rất nhiều thuật ngữ tâm lý, tâm thần hiện đại – cũng là một tài liệu không hoàn hảo với việc phân loại còn nhiều thảo luận, sửa đổi, gây ra nhiều sự hoang mang cho tình cảnh hiện tại.
Trong giới học thuật, có rất nhiều quan điểm khác nhau liên quan tới chủ đề về mạng xã hội và sức khỏe tâm thần. Bác sỹ Michael J. McGrath, một bác sỹ tâm thần và là giám đốc y tại Trại Cải tạo Lạm dụng chất có cồn Ohana Luxury tại Hawaii, chia sẻ, “Việc tự chẩn đoán một rối loạn tâm thần dựa trên các thông tin được đăng tải trên mạng xã hội là một xu hướng vô cùng nguy hiểm. Rất nhiều rối loạn tâm thần có thể dẫn tới các hậu quả sống còn nếu không được chẩn đoán và can thiệp đúng mức. Một người sẽ không bao giờ căn cứ vào thông tin mà họ lướt qua hoặc đọc trên mạng để quyết định xem liệu họ có mắc rối loạn tâm thần hay không, hay quyết định xem họ nên trị liệu như thế nào.”
Ông bổ sung thêm, “Sẽ rất tốt nếu có các nhà sáng tạo nội dung trên mạng giúp “khai sáng” về các vấn đề tâm bệnh. Cũng rất tốt khi ta chứng kiến nhiều phong trào nâng cao nhận thức và xóa bỏ định kiến liên quan tới bệnh tâm lý. Tuy nhiên, ta cần nhớ rằng mọi thông tin mà ta thấy hoặc đọc được chỉ nên dừng ở mức độ tham khảo.”
Lỗi không nằm ở mỗi … Gen Z
Tuy nhiên, nhà trị liệu tâm lý Z Cordero chỉ ra rằng việc tiếp cận tới các tài nguyên có sự chênh lệch giữa nhiều người trong xã hội, và lưu ý về sự “thiếu đi các thông tin luôn sẵn sàng để đọc và chưa các nội dung hướng tới sự đa dạng, hòa nhập.” “Gặp một nhà trị liệu, bác sỹ tâm thần hay một nhà thần kinh học đòi hỏi ta cần có thời gian, tiền bạc, và có thể sử dụng/tiếp cận phương tiện di chuyển tới đó,” Cordero nói, “không phải sinh viên, học sinh nào cũng có đủ điều kiện để khám tâm lý. Bảo hiểm chưa có quy định để hỗ trợ chi phí khám tâm lý. Ngay cả khi người trẻ có thể tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ này, chưa chắc họ đã may mắn được làm việc với chuyên gia phù hợp cho vấn đề họ gặp phải. Nếu đó là người dân tộc thiểu số, người nước ngoài (không nói tiếng Việt) ở Việt Nam, một người trong cộng đồng LGBTIQ+, hay một người chuyển giới, thì sao? Liệu nhận thức về khác biệt văn hóa của chuyên gia có đủ để làm việc với những nhóm người này hay không?
Holly Schiff, bác sỹ kiêm nhà tâm lý lâm sàng có giấy phép tại Greenwich, Connecticut, cho rằng mỗi người nên học cách trở thành một nhà tiêu dùng thông thái. “Một nguồn thông tin uy tín thường có các dấu hiệu bạn có thể thấy ngay, đó là họ có cung cấp các lời khuyên thực sự hữu ích hay không, hay chỉ đang ‘xúi bậy’ người đọc,” bà nói. “Có rất nhiều người đang nằm trong các cộng đồng độc hại, như là chia sẻ các mẹo để thực hiện hành vi tự hại (self-harm). hay hướng dẫn nhịn ăn để giảm cân trong thời gian ngắn. Một số thông tin có thể gây kích động tới một số người dù chỉ vô tình lướt qua bài viết. Nếu những thông tin này không được xác minh, hiệu đính, hay được chạy quảng cáo, hợp tác với các nhãn hàng, tôi sẽ cực kỳ lo ngại về lời khuyên họ đưa ra. Mạng xã hội là một công cụ phức tạp có khả năng khuếch đại sự lo âu và cổ vũ các hành vi không lành mạnh. Tuy nhiên nó cũng đóng góp tích cực tới các cuộc đối thoại cởi mở xung quanh vấn đề sức khỏe tinh thần.” Bà chia sẻ thêm, “Đừng thử tất cả mọi thứ mà bạn nhìn thấy!”
Tất nhiên, vấn nạn tự chẩn đoán tâm lý không chỉ ở mỗi người trẻ, và nó cũng không dừng lại ở các vấn đề tâm lý và phát triển não bộ. Gần đây, tôi đã tham gia một hội thảo y khoa, và một trong những điều “tuyệt vọng” nhất mà các bác sỹ chia sẻ, đó là về các bệnh nhân trưởng thành tới khám, khẳng định chắc định về các dấu hiệu có từ trước của một số bệnh, nhưng họ không hề làm bất kỳ xét nghiệm hay xác minh dấu hiệu chuyên nghiệp nào từ trước. Chúng ta nên thường xuyên nhắc nhở bản thân (và người khác) rằng Internet chỉ là một công cụ đưa ra các thông tin được tổng hợp và có tính chất tham khảo. Cũng như các bên cung cấp dịch vụ, hay người thân của chúng ta, ta đều có thể phối hợp cùng họ để có kế hoạch trị liệu hiệu quả – nhưng không có nghĩa ta hoàn toàn dựa vào họ.
Hậu quả & Ngăn ngừa
Với bậc phụ huynh, khi trò chuyện với trẻ, điều quan trọng nhất tạo nên chất lượng cuộc trò chuyện nằm mức độ cởi mở của cha mẹ. Nếu trẻ tìm đến bạn với tâm trạng nghi ngại hay khẳng định chắc chắn với một thông tin rõ ràng, trước hết bạn nên ghi nhận điều bạn được chia sẻ một cách nghiêm túc. Điều bạn cần làm là trở thành một người trợ giúp đáng tin cậy cho con, không phải một nhà phản biện và chất vấn về những điều con muốn chia sẻ. Khi tôi hỏi con mình rằng con nghĩ sao có rất nhiều trẻ vị thành niên tự chẩn đoán bệnh tâm lý trên mạng xã hội, con đã nói thẳng với tôi, “Bởi người lớn không chịu tin chúng có vấn đề.” Câu trả lời đã khiến tôi rất buồn, và quan ngại sâu sắc.
Hơn 12 năm trước, bác sỹ Srini Pillay đã cảnh báo trên trang Psychology Today rằng “Một trong những điều nguy hiểm nhất khi tự chẩn đoán các hội chứng tâm lý là bạn có thể bỏ qua các triệu chứng bệnh lý. Ví dụ như nếu bạn có rối loạn hoảng sợ, bạn có thể bỏ qua các triệu chứng của bệnh cường giáp (hyperthyroidism) hay rối loạn nhịp tim (heart arrhythmia/irregular heartbeat). Nguy hiểm hơn, một số loại u não có thể xuất hiện dưới các biểu hiện như thay đổi nhân cách, rối loạn tâm thần (psychosis) hay thậm chí trầm cảm.”
Để tăng cường hiệu quả trong việc giao tiếp với trẻ (hay người thân) về vấn đề tự chẩn đoán, ta có thể nhắc nhở trẻ, hay chính chúng ta, rằng việc tìm ra thuật ngữ chuyên môn để gọi tên cho vấn đề không quan trọng bằng việc ta có kế hoạch ra saođể ứng phó khi gặp thay đổi trong sức khỏe tâm lý. Tác giả Sarah Fay gần đây đã nhắc nhở trong buổi phỏng vấn, “Không có bất kỳ triệu chứng đơn lẻ nào trong DSM có phương pháp đo lường khách quan.” Và một bài viết trên trạng Psychology Today vào năm 2021 đã nói về sự phát triển của trào lưu tự chẩn đoán trên TikTok đã chỉ ra sự bức thiết của việc ta cần lưu tâm rằng “Sự khác biệt cơ bản giữa đặc tính (traits) và trạng thái (states) đó là đặc tính sẽ có sự ổn định và duy trì, trong khi trạng thái dùng để chỉ biểu hiện có tính tạm thời.” Một người trẻ có thể có nhu cầu được khẳng định rằng “Tôi là ___” mà không mảy may cân nhắc tới khả năng người đó đang trong trạng thái “Tôi hiện đang có ___.” Điều này không phủ nhận thực tế về vấn đề tâm lý họ đang thực sự gặp phải như lo âu hay trầm cảm, nhưng việc thay đổi trong cách diễn đạt sẽ cho họ thấy vấn đề không kéo dài mãi mãi hay giúp định nghĩa về bản thân họ.
Lời kết
Tôi không biết liệu con gái của bạn tôi có bị ADHD hay không, hay liệu cô bé đã được chẩn đoán chuyên nghiệp hay chưa. Một thời gian ngắn sau cuộc trò chuyện, tôi mất kết nối với người bạn đó. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng cô bé đã đủ hiểu biết để nhận ra cô đang gặp khó khăn như thế nào, và cô cần tìm kiếm thông tin, và cô có đủ sự tin tưởng để chia sẻ lại với bố mẹ mình. Đây thực sự là một khởi đầu tốt hơn rất nhiều so với các đứa trẻ khác. “Các nền tảng mạng xã hội thường là không gian chữa lành và cho ta cảm giác thuộc về một cộng đồng, cũng như việc xóa bỏ định kiến,” theo bác sỹ Schiff. Tuy nhiên bà khuyến khích người trẻ hãy chủ động và “nói với một người lớn hoặc chia sẻ với cha mẹ, hoặc tốt hơn là tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp,” bà nói. “Đó là bước đầu tiên để tìm hiểu về những khó khăn mình đang có, và dần dần mọi thứ sẽ đi vào quỹ đạo để bạn có thể cảm thấy tốt hơn.”
Chú thích:
[1] Hội chứng Tic thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Có 2 loại Tic chính, đi kèm với những biểu hiện không giống nhau: Tic đơn giản liên quan đến một nhóm cơ hoặc âm thanh đơn giản. Tic âm thanh đơn giản bao gồm: Thở dài, ho, lẩm bẩm, các âm thanh khác như tặc lưỡi, hắng giọng, la hét… Tic vận động đơn giản bao gồm: Nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm,… Nguồn: Bộ Y Tế
[2] Hiệu ứng Barnum, hay còn gọi là hiệu ứng Forer. Trong tâm lý học, đây là hiện tượng xảy ra khi cá nhân tin rằng các bản mô tả tính cách (ở chiêm tinh học, thần số,…) được mô tả dành riêng cho họ (hơn là những người khác), bỏ qua sự thật rằng bản mô tả cung cấp thông tin có thể áp dụng cho tất cả mọi người.
Nguồn: Phương Anh từ Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông, đăng tải trên group VietPsyche – Tâm hồn Việt. Link