Dấu hiệu nhận biết vấn đề tâm lý

dau-hieu-nhan-biet-van-de-tam-ly

Trong bài viết trước “Khi sức khỏe tâm thần đi xuống”, ta đã cùng nhau phân biệt hai khái niệm Sức khỏe tâm thần (mental health) và Rối loạn tâm thần (mental illness) qua những hiểu lầm phổ biến về chúng. Ở bài viết này, ta sẽ chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết vấn đề tâm lý nghiêm trọng qua quan sát thường ngày. House of Hypnosis hy vọng sẽ cung cấp cho những độc giả đang nghi ngờ có rối loạn tâm lý những thông tin & chỉ báo hữu ích tại đây.

Mục Lục

    Khi nào thì vấn đề tâm lý trở nên nghiêm trọng?

    Các chuyên gia tâm lý thường đo mức độ nghiêm trọng của vấn đề bằng việc xem xét độ ảnh hưởng của nó lên cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của thân chủ, và xét trong hoàn cảnh đã dẫn tới vấn đề đó. Một số rối loạn tâm lý mức độ nhẹ – trung bình có thể không tác động lâu dài tới đời sống thường ngày của một người. Trong khi đó, một số vấn đề nặng hơn lại có thể tác động tiêu cực tới các mối quan hệ cá nhân hay phong độ làm việc, học tập rất rõ ràng.

    Bạn có thể hình dung về một kỳ thi lớn sắp diễn ra. Việc cảm thấy stress hay lo lắng trước kỳ thi là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu tình trạng lo âu của bạn đã khiến bạn phải nghỉ học để trốn tránh việc thi cử, đó rất có thể là một dấu hiệu cho thấy (1) đang có một sự trì trệ trong hành vi sinh hoạt thường ngày của bạn, (2) và điều này có thể gây ra hậu quả rõ rệt tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe thể chất – tinh thần nói chung của bạn về sau. Hoặc nếu tình trạng lo âu đã dẫn tới các dấu hiệu thể chất hay các cơn hoảng loạn (panic attack), bạn có thể bắt đầu phải tìm tới sự trợ giúp từ người khác.

    Cùng với đó, việc xét lại thời điểm vấn đề tâm lý xảy ra cũng vô cùng quan trọng. Có những cảm xúc tiêu cực mà chúng ta sẽ phải trải qua trong những bối cảnh như thế. Đó là khi ta đau buồn trước sự ra đi của người thân, cay cú khi bị “đá”, hay bồn chồn lo lắng khi vừa nhận một công việc mới,…

    Trong những trường hợp này, bạn có thể trò chuyện với nhà trị liệu, nhà tham vấn về cảm xúc của bạn. Tuy nhiên, trừ khi nó tác động sâu sắc tới cuộc sống thường ngày của bạn, có thể đó vẫn chưa phải là dấu hiệu vấn đề tâm lý nghiêm trọng.

    Dấu hiệu nhận biết vấn đề tâm lý nghiêm trọng

    Khác với các vấn đề thể chất, ta cần quan sát và lắng nghe bản thân nhiều hơn để có thể nhận ra những dấu hiệu nhận biết vấn đề tâm lý nghiêm trọng.

    Bằng việc để ý và ghi chép lại các dấu hiệu thay đổi như gợi ý dưới đây, người đang nghi ngờ có vấn đề tâm lý có thể đưa ra quyết định tốt hơn cho sức khỏe của mình, và có thể chia sẻ rõ ràng hơn với nhà tham vấn.

    Sau đây là một số dấu hiệu cảnh báo cho sức khỏe tâm lý, bao gồm, nhưng không giới hạn:

    Dấu hiệu thay đổi trong khí sắc

    • Cảm thấy buồn hoặc tâm trạng đi xuống trong một thời gian dài mà không có lý do cụ thể
    • Tâm trạng có sự thay đổi rõ rệt, từ cảm giác hưng phấn, vui vẻ đột ngột chuyển về trầm tư, đau buồn
    • Thường xuyên lo lắng quá mức về một sự kiện hay một viễn cảnh tiêu cực
    • Cảm thấy trống rỗng, thờ ơ, lãnh đạm trước nhiều khía cạnh trong cuộc sống
    • Dễ bộc phát cơn tức giận, cảm giác thù địch hay các ý định về hành vi bạo lực
    • Gặp khó khăn trong việc cảm thông với suy nghĩ, cảm xúc của người khác

    Dấu hiệu thay đổi trong hành vi

    • Có ý nghĩ hay hành vi tự tử
    • Thực hiện các hành vi tự hại (self-harm) như rạch tay
    • Mất nhận thức về mặt thời gian (lost time), hoặc có các khoảng trống trong ký ức
    • Chạy trốn khỏi các mối quan hệ bạn bè, gia đình hay xã hội mà bản thân từng yêu thích
    • Có các trải nghiệm hoang tưởng (delusion), tin vào những thứ không có thật
    • Trải nghiệm ảo giác (hallucinations), hoặc các trải nghiệm sai lệch giống như rối loạn tri giác (ví dụ, nghe thấy giọng nói mà người khác không nghe thấy)

    Dấu hiệu thay đổi về thể chất

    • Ra mồ hôi đột ngột, buồn nôn, nhịp tim tăng, khó thở khi đang lo lắng hoặc sợ hãi
    • Rối loạn trong thời gian ngủ, có thể là ngủ quá nhiều/quá ít; cảm thấy mệt mỏi dù ngủ rất nhiều
    • Có những thay đổi rõ rệt trong ham muốn & hành vi tình dục, bao gồm cả việc tham gia vào các hoạt động tình dục nguy hiểm
    • Có những thay đổi rõ rệt trong thói quen ăn uống. Ví dụ như nhịn ăn, ăn không kiểm soát (binge eating); thay đổi trong khẩu vị ăn uống; cảm thấy sợ hãi trước đồ ăn mà không có lý do cụ thể; hoặc có vấn đề về hình ảnh cơ thể liên quan tới cân nặng và chế độ ăn uống

    Nếu bạn (hoặc người thân bạn ở cùng/chứng kiến) có một hay nhiều dấu hiệu được ghi nhận ở trên kéo dài trong hơn 2 tuần liên tiếp, có thể đây là lúc bạn cần cân nhắc tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý.

    Khi ta cần tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp

    Khi nhận thấy có những thay đổi trong khí sắc và hành vi ở bản thân (hoặc ở người khác), bạn có thể tự trả lời thêm các câu hỏi dưới đây để tự chẩn đoán mức độ ảnh hưởng của vấn đề tâm lý hiện tại tới cuộc sống thường ngày:

    Thay đổi ở Công việc/Trường học

    • Bạn có đang bỏ hẳn việc học ở trường, nghỉ một vài lớp học, gặp một vài trục trặc ở trường, hoặc biến mất hoàn toàn trong các hoạt động ngoại khóa/CLB?
    • Bạn có đang thường xuyên suy nghĩ hay lo lắng về những gì đang diễn ra ở trường học, kể cả sau giờ tan trường?
    • Bạn có đang bỏ dở công việc, tránh né một vài nhiệm vụ được giao, hay đang gặp khó khăn trong việc hiểu nhiệm vụ của mình?
    • Bạn có thường xuyên suy nghĩ hay lo lắng về những gì đang diễn ra ở văn phòng, hay về khả năng làm việc của bạn, kể cả khi bạn đã xong việc và trở về nhà?

    Thay đổi trong các Mối quan hệ

    • Bạn có đang xích mích với cha mẹ, người nhà thường xuyên hơn trước đây hay không?
    • Bạn có đang gây gổ với bạn bè, người yêu của mình thường xuyên hơn trước đây hay không?
    • Bạn có quên các sự kiện hay công việc quan trọng, hay bạn có cảm giác mình không thể nhớ những việc vừa mới xảy ra cách đây vài giờ, vài ngày trước?
    • Bạn có cảm thấy mất kết nối với thực tại, hay thấy, nghe, cảm nhận những điều mà người khác không thể?
    • Bạn có cảm thấy người khác đang cố tình “tạo drama”, làm tổn thương bạn?
    • Người thân, bạn bè, giáo viên hay có người nào đó đã hỏi thăm về sức khỏe tâm thần của bạn, hay tỏ ra lo ngại trước sự thay đổi trong hành vi của bạn chưa?

    Hành vi tự hại (Self-Injury)

    • Bạn có nghĩ về việc tự làm tổn thương mình như một cách để đối phó với cảm xúc khó khăn?
    • Bạn có hành vi tự làm đau mình như rạch tay, đốt, cào cấu, hay các hành vi khác không?
    • Bạn có hành vi tự hại với mục đích tự làm đau mình, nhưng không có ý định tự tử?
    • Bạn có hành vi tự hại với mục đích tự kết liễu cuộc đời mình?
    • Bạn có hành vị tự làm đau mình, hoặc có những suy nghĩ về việc tự hại để có được sự chú ý từ người khác?

    Suy nghĩ, hành vi tự tử

    • Bạn đã từng có suy nghĩ tự tử thụ động như là “Tôi muốn chết”, “Tôi muốn tự kết liễu bản thân mình”, hay “Gia đình tôi sẽ tốt hơn nếu tôi chết đi”?
    • Bạn đã từng lên kế hoạch để thực hiện hành vi tự tử?
    • Bạn có đang lên kế hoạch để đưa cho người khác những vật dụng của bạn, và cách để gửi lời từ biệt tới những người thân yêu?
    • Bạn đã viết thư tuyệt mệnh?

    Kết luận

    Nếu bạn nhận thấy bản thân mình (hay ở người khác) có sự thay đổi đáng quan ngại trong hành vi, suy nghĩ, hoặc đã trả lời “Có” cho nhiều câu hỏi về dấu hiệu nhận biết vấn đề tâm lý ở phía trên, việc tìm đến sự can thiệp chuyên nghiệp từ các nhà tham vấn, chuyên gia tâm lý là vô cùng quan trọng. Giống như những căn bệnh thể chất, bạn càng trốn tránh việc điều trị thì tình trạng sức khỏe của bạn sẽ ngày một tệ hơn.

    Vậy nhưng, khác với bệnh lý, tại Việt Nam, các trung tâm tham vấn, trị liệu tâm lý vẫn chưa có thể dễ dàng tiếp cận ở mọi nơi. Cùng với đó, nhận thức chung của mọi người về sức khỏe tâm thần còn chưa cao. Trong trường hợp ta nghi ngờ có vấn đề tâm lý nghiêm trọng, ta sẽ cần liên lạc với ai, gặp chuyên gia nào, quy trình ra sao? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các hình thức hỗ trợ trong phần tiếp theo nhé!

    Với bạn đọc có nhu cầu tư vấn, tìm kiếm dịch vụ trị liệu, bạn có thể liên hệ trực tiếp với House of Hypnosis để có thể nhận thông tin trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi sẽ tìm kiếm và kết nối bạn với các chuyên gia và dịch vụ phù hợp trong khả năng có thể.

    Nguồn: Dịch và tổng hợp từ nib.com.au


    Về House of Hypnosis

    House of Hypnosis Vietnam là dự án phi lợi nhuận thành lập đầu năm 2022. Chúng tôi hướng tới việc nâng cao nhận thức của người trẻ Việt về các vấn đề sức khỏe tâm lý – tâm thần nói chung, và xóa bỏ định kiến về trị liệu thôi miên tâm lý.

    Thôi miên là một hình thức trị liệu vốn mang nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu được thực hành đúng và có hướng dẫn, chúng tôi tin đây là một giải pháp tích cực, mang lại hiệu quả cho việc điều trị một số rối loạn tâm thần phổ biến ở người trẻ như trầm cảm hay rối loạn lo âu.

    Đăng ký theo dõi bài viết mới nhất của House of Hypnosis tại đây.

    error: Nội dung thuộc sở hữu của House of Hypnosis. Vui lòng không sao chép, in ấn, lưu trữ khi chưa có sự cho phép của đội ngũ chúng tôi. Cảm ơn bạn.