Sự xuất hiện và chức năng của giấc mơ là một trong những câu hỏi lớn chưa được giải đáp thỏa đáng trong ngành khoa học hành vi. Một số tác giả cho rằng mơ giúp chúng ta củng cố trí nhớ, còn một số nghiên cứu khác lại đặt giả thiết về tính liên kết và phản ánh thực tại. Thật vậy, để giải mã giấc mơ, chúng ta cần nhiều hơn những kiến thức về giấc ngủ (thứ luôn đi kèm với giấc mơ) và phải nắm chắc được vai trò của các nền văn hoá và các quan điểm nhận thức luận (epistemological position) khác nhau.
Trong chuỗi bài viết Giải mã Giấc mơ, House of Hypnosis giới thiệu tới bạn đọc các góc nhìn mới về những hiện tượng thú vị khi ta ngủ, được phân tích dưới góc nhìn tâm lý học. Ở bài viết đầu tiên, ta sẽ cùng tìm hiểu về ý nghĩa của giấc mơ trong đời sống hằng ngày, và quan điểm của các nhà tâm lý trong các trường phái khác nhau khi tiếp cận về giấc mơ.
Ý nghĩa của giấc mơ trong đời sống hàng ngày
Tuỳ theo theo mỗi vùng văn hoá hay tôn giáo mà ý nghĩa của giấc mơ được giải thích theo các hướng riêng biệt. Đối với một số cộng đồng, tầm quan trọng của giấc mơ không được coi trọng trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên có xã hội lại coi đó là những thông tin quan trọng để nói về tương lai, là cầu nối giúp họ liên lạc với thế giới tâm linh, với tổ tiên hay với bản thân ở một thực tại khác.
Trong văn hoá Trung Hoa, giấc mơ có thể mang lại điềm lành hoặc điềm xấu đến người mơ và gia đình của họ. Ví dụ, người Trung Quốc cho rằng mơ thấy máu sẽ mang lại vận xui hoặc mơ thấy rắn đồng nghĩa với việc vận may đang đến với gia chủ. Họ cũng tin rằng giấc mơ sẽ giúp tìm hiểu những bí mật chưa được giải đáp của bản thân, đưa ra những gợi ý giúp họ đưa ra các quyết định quan trọng và tạo ra thay đổi tích cực trong cuộc sống. Trên thực tế, quan niệm của người Trung Quốc về giải mã giấc mơ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến những tín ngưỡng của người Việt Nam về vấn đề này.

Tầm quan trọng của giấc mơ trong tâm lý học
Tương tự, trong tâm lý học nói chung và trị liệu tâm lý nói riêng, giấc mơ cũng mang một tầm quan trọng nhất định. Tùy theo trường phái của nhà nghiên cứu hay nhà trị liệu, giấc mơ được định nghĩa và mang những ý nghĩa khác nhau.
Theo Phân tâm học (psychoanalysis)
Phân tâm học (psychoanalysis) là trường phái giải thích các hiện tượng tâm lý dựa theo các giả thuyết về vô thức. Các nhà phân tâm học cho rằng giá trị của giấc mơ nằm ở việc chúng góp phần giữ sự cân bằng trong tâm trí và mở ra con đường nhanh nhất dẫn đến vô thức (unconscious). Thông qua đó, nhà tâm lý có thể tiếp cận được những sự đau khổ (angoisse/anguish) bị kìm nén và từ đó tổng hợp những thông tin hữu dụng trong quá trình trị liệu. Theo trường phái này, giấc mơ luôn chứa những ý nghĩa ẩn cần được giải đáp.
Sigmund Freud và Carl Gustav Jung là hai người tiên phong trong những nghiên cứu về giấc mơ. Trong tác phẩm “Diễn giải giấc mơ” (1901), giả thuyết của Freud cho rằng giấc mơ cho phép những ước muốn bị kìm nén, những xung đột bên trong (intrapsychic conflict) được giải toả. Những mong muốn này, thường có tính khiêu dâm, bạo lực nên bị kiểm soát bởi cái siêu tôi (superego) và luôn tìm cách thể hiện ra ngoài. Và giấc mơ là một trong những con đường phù hợp nhất.
Theo Freud, giấc mơ có thể lấy chất liệu từ các kích thích bên ngoài, những trải nghiệm cá nhân, những kích thích bên trong cơ thể cũng như những hoạt động trí não trong lúc ngủ. Để tìm hiểu kỹ hơn về tầm quan trọng của giải mã giấc mơ theo trường phái của Freud, xin mời bạn đọc theo dõi những bài viết tiếp theo của House of Hypnosis.
Về phần Jung, ông cho rằng giấc mơ thuộc về cái gì đó lớn hơn, được gọi là vô thức tập thể (collective unconscious). Tương tự như Freud, ông cho rằng những hình ảnh xuất hiện trong giấc mơ cần được diễn giải theo tính biểu tượng. Tuy nhiên, trái với tiền bối của mình, Jung tin rằng giấc mơ chỉ có thể được giải đáp bởi một người có kinh nghiệm quan sát.
Theo Tâm lý học Thần kinh (neuropsychology)
Tâm lý học thần kinh (neuropsychology) là trường phái nghiên cứu sự liên kết giữa cấu trúc của não bộ và các hoạt động của tâm trí (các chức năng nhận thức). Vì cách giải mã giấc mơ theo hướng này vẫn còn khá mới (từ cuối những năm 1950) so với phân tâm học hay tâm lý học thực nghiệm (experimental psychology*) (từ thế kỉ 19) nên tư liệu vẫn còn hạn chế. Điều đó cũng nói lên rằng việc các nghiên cứu khoa học trong tâm lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải thích các hoạt động của giấc mơ.
* Tâm lý học thực nghiệm là trường phái dựa trên phương pháp khoa học thực nghiệm
Theo tâm lý học thần kinh, hoạt động của giấc mơ gắn liền với 4 giai đoạn của giấc ngủ. Trong đó, phần lớn các giấc mơ xuất hiện trong giai đoạn ngủ REM.
Nghiên cứu cho rằng có mối liên hệ giữa hoạt động mơ và hoạt động của một số vùng của bộ não trong trạng thái ngủ. Ví dụ, vỏ não liên kết thị giác, nơi các kích thích thị giác hay hình ảnh được liên kết với nhau, vẫn được duy trì hoạt động trong khoảng thời gian. Về vai trò của giấc mơ, các nhà nghiên cứu cho rằng rất khó để tách rời hoạt động mơ và ngủ. Một số tài liệu đặt giả thiết về sự liên quan giữa giấc mơ và trí nhớ phân đoạn (episodic memory*). Họ cho rằng các ký ức góp phần quan trọng trong việc hình thành nên giấc mơ và ngược lại giấc mơ có thể giúp củng cố trí nhớ.
* episodic memory là một loại trí nhớ được vận dụng để “lưu trữ” những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Crick và Mitchison (1983), giấc mơ được cho là góp phần vào việc loại bỏ những “ký ức” vô dụng hay không mong muốn. Nghĩa là, não bộ chúng ta được cấu thành từ những mạng lưới nơ-ron thần kinh. Trong quá trình tiếp xúc với thế giới bên ngoài hoặc trong quá trình phát triển của não bộ nói chung, não có thể vô tình tạo ra những chế độ hành vi (behavior mode) ký sinh (parasite) hoặc không phù hợp. Vì thế, não tạo ra một cơ chế “học ngược” (unlearning/reverse learning) diễn ra vào giai đoạn ngủ REM khi chúng ta có những giấc mơ, để loại bỏ những thông tin (element) không mong muốn bằng cách, ví dụ, làm giảm độ bền của các kết nối xi-náp (synaptic connections).
Trong bài viết này, tác giả cũng giải thích lý do tại chúng ta quên phần lớn giấc mơ của mình, và đây cũng là điều mà Freud không hoặc ít nhắc tới trong các tài liệu về giải mã giấc mơ. Tuy nhiên, vì được thực hiện cách gần 40 năm nên ta cũng cần xem xét lại tính hiệu lực của nghiên cứu này ở thời điểm hiện tại.

Kết luận
Như đã được diễn giải ở trên, giấc mơ mang một tầm quan trọng nhất định trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong trị liệu tâm lý. Tuỳ vào trường phái cũng như niềm tin của nhà trị liệu mà giấc mơ có được chú trọng trong quá trình điều trị hay không. Cho dù đến thời điểm hiện tại chúng ta có một số lượng tài liệu và nghiên cứu nhất định về giấc mơ (theo phân tâm học, tâm lý học thần kinh, v.v), nhưng ứng dụng thực tiễn của nó vẫn còn hạn chế bởi nhiều lý do khác nhau, điển hình như sự thiếu kinh nghiệm của nhà tâm lý trong mảng này. Để tìm hiểu về ứng dụng của giải mã giấc mơ trong trị liệu tâm lý ở các nước Châu Âu hay các vùng Đông Nam Á, xin mời bạn đọc theo dõi những bài viết tiếp theo của House of Hypnosis.
Phân tâm học và phân tích giấc mơ là những chủ đề khó mà đội ngũ House of Hypnosis sẽ còn ghi nhận nhiều thiếu sót trong việc biên tập và phát triển nội dung. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi rất vui nếu được nhận những phản hồi, góp ý mang tính xây dựng từ độc giả thông qua email hoặc comment bên dưới bài viết.
Tham khảo
- Crick, F., & Mitchison, G. (1983, July). The function of dream sleep. Nature, 304(5922), 111–114. https://doi.org/10.1038/304111a0
- Hoss, R. (2014, May). The Neuropsychology of Dreaming: Studies and Observations Dreaming and Sleep States. ResearchGate. Retrieved October 21, 2022, from https://www.researchgate.net/publication/261993656_The_Neuropsychology_of_Dreaming_Studies_and_Observations_Dreaming_and_Sleep_States
- Legrand, N., Guénolé, F., Eustache, F., & Rauchs, G. (2015). Rêves et mémoire : revue de la littérature en neuropsychologie et neurosciences cognitives. Revue De Neuropsychologie, 7(4), 279. https://doi.org/10.3917/rne.074.0279
- Matuszak, S. (2022, September 17). Anthropology: Sociocultural Sources and Explanations of Dreams. Yoair Blog. Retrieved October 21, 2022, from https://www.yoair.com/blog/anthropology-sociocultural-sources-and-explanations-of-dreams/
- Oppenheimer, R. (2021, July 31). L’analyse des rêves et son utilisation en psychanalyse. Psychothérapeute – Psychanalyste – Rodolphe Oppenheimer. Retrieved October 21, 2022, from https://psy-92.net/2021/02/26/analyse-reves-psychanalyse/
- Zhang, W. (2018). Freud’s Dream Interpretation: A Different Perspective Based on the Self-Organization Theory of Dreaming. Frontiers. Retrieved October 21, 2022, from https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpsyg.2018.01553/full
Chú thích
Ảnh 1: Minh họa 3 yếu tố của tâm trí theo Freud
Ego: Cái Tôi
- Ở vị trí trung gian giữa các xung động xuất phát từ “Nó” và sự ức chế của “Siêu tôi”
- Mang tính lý trí và tính thực nghiệm
- Hoạt động chủ yếu ở cấp độ ý thức (conscious) nhưng cũng có thể hoạt động ở cấp độ tiền ý thức (preconscious)
Superego: Cái Siêu tôi
- Bao gồm những lý tưởng và đạo đức
- Luôn tìm kiếm sự hoàn hảo
- Được hình thành từ cha mẹ
- Hoạt động chủ yếu ở cấp độ tiền ý thức (preconscious)
Id: Cái Nó
- Bao gồm các xung động mang tính tình dục và bạo lực
- Luôn tìm kiếm sự thoả mãn tức thì
- Mang tính bộc phát và không lý trí
- Hoạt động ở cấp độ vô thức (unconscious)
Ảnh 2: 4 giai đoạn của giấc ngủ
Giai đoạn 1: Ru ngủ (Non Rapid Eye Movement-NREM 1)
- Chuyển giữa trạng thái thức và ngủ
- Kéo dài từ 5 đến 10 phút
Giai đoạn 2: Ngủ nông (NREM 2)
- Nhiệt độ cơ thể giảm và nhịp tim bắt đầu chậm dần
- Não bắt đầu sản sinh ra/tiết ra/ xuất hiện các sóng não
- Kéo dài khoảng 20 phút
Giai đoạn 3: Ngủ sâu (NREM 3)
- Các bó cơ được thư giãn
- Áp lực máu và nhịp thở giảm
- Ở trạng thái ngủ sâu
Giai đoạn 4: Rapid Eye Movement
- Não hoạt động nhiều hơn
- Cơ thể được thư giãn và trở nên bất động
- Giấc mơ xuất hiện
- Mắt hoạt động nhanh
Về House of Hypnosis
House of Hypnosis Vietnam là dự án phi lợi nhuận thành lập đầu năm 2022. Chúng tôi hướng tới việc nâng cao nhận thức của người trẻ Việt về các vấn đề sức khỏe tâm lý – tâm thần nói chung, và xóa bỏ định kiến về trị liệu thôi miên tâm lý.
Thôi miên là một hình thức trị liệu vốn mang nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nếu được thực hành đúng và có hướng dẫn, chúng tôi tin đây là một giải pháp tích cực, mang lại hiệu quả cho việc điều trị một số rối loạn tâm thần phổ biến ở người trẻ như trầm cảm hay rối loạn lo âu.
Đăng ký theo dõi bài viết mới nhất của House of Hypnosis tại đây.