Liệu Pháp Tâm Động Học Đã Giúp Tôi Vượt Qua Sang Chấn Tâm Lý – Điều Mà CBT Không Làm Được

tam-dong-hoc-va-sang-chan-tam-ly-psychodynamic-therapy-and-ptsd

Những ký ức độc hại tới từ sang chấn đã chi phối cuộc đời của tôi suốt nhiều năm qua. Và liệu pháp tâm động học (psychodynamic therapy) đã giải phóng tôi khỏi chúng.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nhà trị liệu của tôi, cô ấy đang đứng trước một biển người trong một căn phòng, nói về tác phẩm Chúa Ruồi của William Golding (1954). Đó là một phần trong chuỗi sự kiện về sách thuộc chủ đề phân tâm học và văn học, và nhà trị liệu của tôi khi ấy đang phân tích các đặc điểm (contours) về tâm lý và cảm xúc trong tác phẩm, đặc biệt ở đoạn kết.

Tác phẩm kể về một nhóm nam sinh người Anh trong một vụ rơi máy bay khi đang trên hành trình sơ tán khỏi cuộc chiến đang hoành hành ở quê nhà. Sau nhiều tuần mắc kẹt trên một hòn đảo hoang, đứng trước bờ vực của tuyệt vọng, họ đã được Hải quân Anh giải cứu ở những trang cuốn cùng của cuốn sách. Tuy nhiên, theo lời của nhà trị liệu, người đàn ông đại diện cho sự giải cứu không đóng một vai trò quá ý nghĩa. Hẳn là người đàn ông đã cứu sống những cậu bé. Họ sẽ vượt qua được. Nhưng đôi khi, chỉ việc cứu sống là không đủ. Khi các cậu bé bắt đầu khóc và suy sụp trước mặt những người lớn khi chúng bắt đầu hiểu về những gì đã xảy ra ở trên đảo, người sĩ quan hải quân đã quay lưng và để mặc bọn trẻ tự trấn an nhau. Ông ta đã cứu sống những cậu bé, nhưng ông không thể chịu đựng việc chứng kiến chúng đau khổ. Vậy ý nghĩa của việc sống sót và phải vật lộn với những khổ đau là gì?

Ngay khi nhà trị liệu của tôi giải thích về đoạn kết của tác phẩm như một cuộc giải cứu không mấy ý nghĩa, tôi đã nghĩ rằng: Tôi hiểu cảm giác đó – những ảnh hưởng tồi tệ nhất của quá khứ đầy sang chấn của tôi đến từ nỗi sợ tột cùng của bản thân khi để người khác chứng kiến chúng. Tôi hiểu cảm giác khi phải vật lộn vượt qua và cố không để người khác biết. Tôi cần vượt qua, và rồi lẩn trốn suốt phần đời còn lại. Trong khoảnh khắc đó, tôi biết rằng cô ấy sẽ không quay lưng với tôi. Tôi đã gửi email cho cô hàng tuần, cho tới khi đặt được lịch hẹn gặp với cô.

Nhà trị liệu của tôi thực hành theo liệu pháp tâm động học (psychodynamic psychotherapy). Điều đó có nghĩa rằng chuyên môn của cô là liệu pháp trò chuyên, trong đó thân chủ sẽ dẫn dắt cuộc trò chuyện. Liệu pháp này khởi đầu từ mô hình phân tâm học của Freud, nhưng chúng có những yếu tố khác nữa. Các nhà trị liệu theo liệu pháp tâm động học tin rằng các mối quan hệ đóng vai trò then chốt trong các khó khăn tâm lý của mọi người, do đó cách một người liên hệ với người khác là chìa khoá để bắt đầu công cuộc hồi phục. Và công cuộc đó bắt đầu với mối quan hệ giữa thân chủ và nhà trị liệu.

Liệu pháp tâm động học có sự khác biệt so với các liệu pháp trò chuyện khác trong việc tận dụng mối quan hệ giữa thân chủ – nhà trị liệu để khám phá các suy nghĩ trong vô thức và những nỗi sợ, cũng như cho phép nhà trị liệu được chen ngang (interject), đưa ra phản hồi với thân chủ về cách họ nghĩ về những điều mà thân chủ đã hoặc không đề cập tới. Một nhà trị liệu theo liệu pháp tâm động học có thể giúp thân chủ tái thiết các mối quan hệ qua việc sử dụng động lực trị liệu (therapeutic dynamic) như là một nơi thử nghiệm an toàn. Đây là lý do vì sao, tôi tin rằng, liệu pháp tâm động học thường hữu ích với những người trải qua rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Liệu pháp này có thể giúp thân chủ nhận diện những ký ức bị chôn giấu liên kết với sang chấn ban đầu, qua việc cho thân chủ thấy cách các ký ức đó phát triển trong mối quan hệ giữa thân chủ và nhà trị liệu.

Những nạn nhân sau các vụ bạo hành thường bị bỏ mặc với một cảm giác rằng họ có phần nào đó “độc hại”, và đa khiến cho người khác phải đối xử tồi tệ với họ.

Sang chấn không phải một quá trình nhận thức, cũng không phải một tập hợp các suy nghĩ, mà là một tập hợp những phản ứng mang tính bản năng. Nhà tâm thần học người Mỹ Robert Jay Lifton đã viết trong cuốn “Cái chết trong đời sống: Những người sống sót qua thảm họa Hiroshima” (1968, Nguyên văn: Death in Life: Survivors of Hiroshima) rằng, PTSD xuất hiện khi một sự kiện gây sang chấn để lại một “dấu ấn chết chóc” (death imprint), hay một dấu ấn không thể xoá mờ (indelible imprint) trong não bộ. Khi những ký ức sang chấn được giữ lại theo cách này, chúng không thể được sắp xếp lại như một câu chuyện logic. Thay vào đó, chúng sẽ “mắc kẹt” trong não bộ và tái hiện như những ký ức (flashes) xuất hiện chớp nhoáng trong tâm trí trong những khoảnh khắc yếu đuối nhất. Trong não bộ, vùng chịu trách nhiệm cho việc tách riêng ký ức trong quá khứ và hiện tại – hippocampus (hồi hải mã) – gặp rối loạn chức năng (dysfunctional) và não bộ sẽ quay lại trạng thái phòng thủ (chống trả, bỏ chạy, hay đóng băng) mỗi khi có điều gì đó gợi nhắc lại trải nhiệm gây sang chấn, kể cả khi chúng không còn là mối hiểm nguy trong thời điểm hiện tại.

Tôi đã vật lộn với PTSD trong 10 năm mà không hề nhận ra điều đó, sau khi tôi bị cưỡng bức tình dục một cách thô bạo bởi một người lạ trong một phòng vệ sinh bỏ hoang, sau nhiều năm bị lạm dụng tình dục bởi một người cố vấn khi tôi vẫn còn là một vận động viên thể dục trẻ tuổi ưu tú. Tôi chưa bao giờ nói về quá khứ bị hiếp dâm hay bị lạm dụng. Tôi đã nghĩ rằng, nếu tôi không nói cho bất kỳ ai, tôi có thể giả vờ rằng chúng chưa bao giờ xảy đến. Tuy nhiên, mọi thứ không vận hành như vậy. Ở tuổi 17, tôi đã bắt đầu có những cơn hoảng loạn (panic attacks); tôi mất ngủ và rơi vào tình trạng trầm cảm nặng. Giờ đây, khi nhìn lại, tôi hiểu rằng những dấu hiệu đó có liên quan tới ký ức bị hãm hiếp. Nhưng ở thời điểm đó, tôi đã cố gắng để lờ chúng đi. Tôi đã được giới thiệu tới một nhà trị liệu nhận thức – hành vi (CBT) – một liệu pháp trò chuyện với mục đích nhận diện các khuôn mẫu suy nghĩ không hữu ích ở thân chủ và sắp xếp lại chúng. Tôi đã thử CBT trong vài năm, nhưng dường như liệu pháp này không có hiệu quả với tôi, bởi những suy nghĩ trên bề mặt ý thức của tôi không phải là vấn đề. Điều đã gây ra phiền muộn cho tôi nằm ở những lớp sâu hơn thế, ở dưới tầng vô thức. Và những điều đó đã được giấu kín với tất cả mọi người – bao gồm cả chính tôi.

Những người vượt qua được ký ức bị bạo hành hay lạm dụng thường được bỏ mặc, với một cảm giác rằng có điều gì đó “độc hại” ở họ, một điều gì đó tệ hại đã khiến người khác phải đối xử không tốt với họ. Đây là điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Đó là điều tôi đã cảm thấy; một điều gì đó nghe thật phi lý, nhưng tận đáy lòng, tôi tin cảm giác đó có thật. Bởi đó là những giả định trong vô thức, chúng phát triển trong mọi mối quan hệ mà ta không nhận ra. Và bởi sự kết nối sâu sắc giữa sang chấn và cảm giác xấu hổ, chúng ta có thể cảm thấy rất khó để nhận diện những cảm xúc là triệu chứng của PTSD, bởi chúng, rất thường xuyên, là những triệu chứng không thể nói thành lời.

Cho tới khi tôi gặp nhà trị liệu của tôi, tôi chưa bao giờ có thể cụ thể hoá những niềm tin tệ hại nhất mà tôi dành cho bản thân mình. Tôi không nghĩ rằng ai cũng có thể hiểu vì sao tôi lại căm ghét bản thân nhiều đến vậy. Do đó, thay vì làm rõ những cảm xúc trong lòng, tôi dành nhiều năm liền tự “phân ly” khỏi những mối quan hệ, tránh xa những cử chỉ thân mật, phá vỡ những mối quan hệ gần gũi, liên tục tưởng tượng về việc tôi sẽ bị bỏ rơi ngay khi người khác biết tôi là người tồi tệ ra sao trong quá khứ. Thế nhưng, trong khi việc phân ly đã bảo vệ tôi khỏi những cảm xúc choáng ngợp liên quan tới những ký ức gây sang chấn – hoảng loạn, sợ hãi, đau đớn – việc không xử lý những cảm xúc đó có thể khiến tôi “tê liệt” những cảm giác về kết nối, yêu thương, vui vẻ, và an toàn. Sự phân ly giống như ông sĩ quan hải quân trong “Chúa Ruồi”, thứ đã giải cứu tôi, nhưng không đem lại sự thấu cảm mà tôi cần. Nó mang lại cho tôi sự sống, nhưng không phải một cuộc sống.

Tôi vẫn luôn tự kiểm duyệt bản thân trước mặt cô ấy, trong nỗ lực che giấu những điều đáng xấu hổ ở tôi.

Cảm giác xấu hổ và phân ly thường khiến những người gặp PTSD phát triển những hành vi chiều theo ý người khác (people-pleasing). Nỗi sợ việc bị phát hiện khiến cho chúng tôi tìm ra mọi cách để có được sự công nhận của người khác, cứ như thể sự công nhận có thể làm “trung hoà” sự độc hại bên trong chúng tôi. Tôi đã luôn cố gắng làm hài lòng người khác theo cái cách mà tôi cho rằng nó có thể giúp tôi xây dựng những mối quan hệ ý nghĩa. Nhưng khi bạn tin rằng bạn đã “dụ dỗ” mọi người để họ yêu quý bạn bằng việc làm gì đó cho họ, chính bạn đang tự lấy đi khả năng kết thân với mọi người. Từ đó, mọi mối quan hệ đều phát triển trên tình cảm “có điều kiện”.

>>> Đọc thêm: Hiểu về hiện tượng phân ly (dissociation)

Khi tôi không nhận ra điều đó, tôi đã dành phần lớn thời gian trong đời tin rằng tôi phải che giấu một vài phần xấu xí của bản thân để có thể được yêu quý. Rằng tôi phải giả vờ để vượt qua chính tôi – trở thành một người thành công hơn, một người được săn đón hơn, một người đẹp hơn – dựa trên niềm tin từ gốc rễ rằng tôi không có giá trị. Cho tới khi tôi gặp nhà trị liệu của tôi.

Một buổi chiều tháng Sáu năm ngoái, nhà trị liệu của tôi đã đưa ra cho tôi một sự thật rằng tuần nào tôi cũng kiếm cớ để huỷ các phiên trị liệu. “Luôn luôn có điều gì đó xảy ra và khiến bạn sắn sàng huỷ buổi trị liệu”, cô nói.

Tôi đã im lặng trong một khoảnh khắc, và không biết nói gì cả.

“Tôi nghĩ rằng có một phần nào đó trong bạn vẫn còn sợ hãi việc bị người khác phát hiện,” cô nói.

“Việc duy trì các mối liên hệ thường trực khiến bạn hoảng sợ, bởi đây là hình thức giúp bạn ‘phơi bày’ bản thân rõ ràng nhất. Ý nghĩ về việc tôi có thể tiếp cận điều bạn luôn giấu trong một ngày tồi tệ thực sự làm bạn sợ hãi, bởi điều đó có nghĩa rằng đôi khi tôi có thể thấy bạn cáu bẳn, thiếu ngủ, hay bực bội.”

“Hoặc,” cô nói sau khi ngừng một lúc, “tệ nhất – khi bạn bất lực. Khi bạn nổi đoá.”

“Bạn sẵn sàng để tôi phát hiện, nhưng chỉ khi nào bạn cảm thấy mình có khả năng ‘kiểm duyệt’ những gì mình phơi bày ra trước. Bạn cho phép tôi ‘thấy’ bạn, khi bạn nói gì đó nghe thông minh, và có thể tường thuật lại một cách nghiêm túc tuần vừa rồi của bạn, hay là khuyến khích tôi khi tôi có những quan sát chính xác: chỉ khi nào bạn mạnh mẽ, linh hoạt, và dễ chịu.”

“Bằng cách này, bạn sẽ luôn kiểm soát được bản thân. Trong những ngày không ổn lắm, bạn sẽ tìm cách để trốn tránh tôi. Bạn không thể chịu đựng được việc bị phát hiện.”

Cô ấy nói quá chuẩn. Tôi đã cố gắng hết sức để xua tan cảm giác xấu hổ, nhưng sự kìm kẹp của chúng vẫn làm tôi như chết ngạt. Người phụ nữ này, người hiểu về tôi hơn bất kỳ ai khác, vẫn chỉ được thấy phiên bản “fake” của tôi. Tôi vẫn cố gắng tự kiểm duyệt bản thân trước mặt cô ấy, trong nỗ lực che giấu những điều làm tôi cảm thấy xấu hổ.

Việc có ai đó quan tâm tới tôi đủ để nhìn thấu con người tôi, và thay tôi để cảm nhận sự tức giận, đã giúp tôi thay đổi cuộc sống.

Ban đầu, tôi đã trở nên hoảng loạn khi nhà trị liệu nói ra điều đó. Tôi cảm thấy bẽ bàng, khi những ký ức nguy hiểm trong tâm trí bị ‘bại lộ’. Tuy nhiên, việc được nhìn thấu và cư xử tồi tệ là hai việc khác nhau. Nhà trị liệu của tôi không chỉ trích tôi vì đã huỷ các phiên trị liệu – cô đã chấp nhận sự tránh né của tôi như một phần trong quá trình đối phó với sang chấn, và cô đang cố gắng để giúp đỡ tôi. Trong căn phòng đó – và chỉ trong căn phòng đó – tôi có thể tin rằng tôi không cần trở nên hoàn hảo để xứng đáng được yêu thương.

Một triệu chứng phân ly khác của tôi là nhu cầu trong sâu thẳm được dồn nén (repress) cảm giác tức giận. Nếu tức giận được vũ khí hoá để chống lại bạn, bạn sẽ sợ hãi khi thấy bản thân mất bình tĩnh. Kẻ đã hiếp dâm tôi, bằng cách nào đó, đã vô cùng, vô cùng tức giận với tôi, cho dù chúng tôi chưa từng gặp nhau bao giờ trước đêm hôm đó, và hắn đã để lại cho tôi nỗi sợ với chính sự tức giận của bản thân; cứ như thể, nếu tôi tức giận, tôi có thể trở thành hắn, và như vậy, luôn có một phần nào đó của tôi giống với hắn ta. Thật đáng sợ khi sự tức giận được gắn liền với các hành vi lạm dụng. Tuy nhiên, việc tức giận một cách lành mạnh lại có ích cho chúng ta. Sự tức giận nói rằng: Điều này không giúp ích cho tôi. Sự tức giận cũng nói rằng: Tôi cần nhiều hơn thế. Biểu đạt sự tức giận đòi hỏi bản thân tôi phải sẵn sàng mở lòng cho người khác nhìn thấu, và điều đó giải thích vì sao bạn chỉ có thể biểu đạt sự tức giận khi bạn thấy tự tin với việc một mối quan hệ có thể chưa đựng cảm xúc đó mà vẫn tiếp tục phát triển. Kể từ khi tôi cho rằng những mối quan hệ xung quanh tôi đều mong manh và yếu ớt, và bất kỳ khoảnh khắc nào mà người khác có thể nhìn thấu tôi, họ sẽ rời bỏ tôi, tôi đã không dám ‘đánh liều’ mà tức giận. Do đó, tôi cố tình tách rời cảm xúc đó ra khỏi tâm trí.

Dần dần, tôi mô tả tình trạng của tôi cho nhà trị liệu và đưa những ký ức sang chấn ra ngoài ánh sáng: Tôi đã luôn đóng khung bản thân là một kẻ bất lực, lo âu, biết ơn với những tình cảm nhận được, và cảm thấy tội lỗi khi đòi hỏi ‘quá mức’. Và dần dần, cô bắt đầu nói: “Tôi không thực sự nghĩ bạn cảm thấy biết ơn, hay lo lắng trong việc làm hài lòng một người nào đó. Tôi nghĩ bạn đã cảm thấy tức giận.”

Cô ấy nói đúng. Trong thâm tâm, ở tận nơi mà ý thức của tôi không thể nào vươn tới, là câu chuyện về một kẻ đã dìm tôi xuống. Ở nơi nào đó, được chôn sâu bên dưới nỗi xấu hổ của tôi, là sự tức giận.

“Vì sao cô biết?” Tôi nói.

Cô nói: “Tôi biết bởi tôi cảm thấy tức giận. Và tôi nghĩ rằng cảm xúc đó đến từ bạn.”

Trong khoảnh khắc đó – điều tôi đã liên tục lặp lại rất nhiều lần – tôi nhìn thấy vẻ đẹp nhiệm màu của liệu pháp tâm động học. Điều mà nhà trị liệu mô tả chính là sự chuyển di ngược/đồng cảm (countertransference) – khi nhà trị liệu hoà hợp sâu sắc với thân chủ tới mức họ có thể có những cảm xúc mà chính thân chủ không thể bày tỏ một cách có ý thức.

Tôi không thể diễn tả được việc câu nói đó đã làm thay đổi tôi như thế nào: Tôi đã biết tôi cảm thấy tức giận. Lần đầu tiên trong đời, tôi được thể hiện sự tức giận, bởi tôi cảm thấy đủ an toàn để cảm nhận điều đó khi có sự hiện diện của cô ấy. Việc ai đó quan tâm tới tôi đủ để nhìn thấu con người tôi, và và thay tôi để cảm nhận sự tức giận, đã giúp tôi thay đổi cuộc sống. Sự chuyển biến không nằm ở cách nhà trị liệu cố gắng khuyến khích tôi suy nghĩ, mà nó tới từ cách cô ấy giúp tôi cảm thấy ra sao. Cô ấy giúp tôi có những cảm giác rất ‘thật’. Cảm giác an toàn. Và cảm nhận được cuộc sống.

Bài viết được dịch từ nguồn: Psychodynamic therapy helped me overcome trauma when CBT couldn’t – Psyche Magazine

Về House of Hypnosis

House of Hypnosis Vietnam là dự án chia sẻ kiến thức khoa học về Thôi miên Trị liệu (Hypnotherapy) và Sức khoẻ Tâm thần cho người Việt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

error: Nội dung thuộc sở hữu của House of Hypnosis. Vui lòng không sao chép, in ấn, lưu trữ khi chưa có sự cho phép của đội ngũ chúng tôi. Cảm ơn bạn.