Chúng Ta Nói Rất Nhiều Về Hiện Tượng “Phân Ly”, Nhưng Chính Xác Thì Đó Là Gì?

,
hien-tuong-phan-ly-dissociation

Hiện tượng phân ly, hay cơ chế “thoát ly khỏi thực tại”, thực chất là một phản ứng tâm lý phổ biến và lành mạnh. Nhưng khi bị kích động bởi các chấn thương tâm lý (trauma) và không được điều trị, hiện tượng này có thể gây ra những xáo trộn nguy hiểm tới sức khoẻ tâm thần.

Vào một ngày đẹp trời, bạn đang lướt mạng xã hội và, (có vẻ) đột nhiên, bạn nhận ra hai tiếng đồng hồ vừa trôi qua. Sao lại như thế nhỉ? Theo các nhà nghiên cứu tại đại học Washington, cảm giác mà bạn có trong khoảnh khắc nhận ra thời gian đã trôi qua trong chớp mắt đó đến từ trạng thái phân ly (dissociation).

Trớ trêu thay, cũng nhờ… mạng xã hội, ngày càng nhiều người biết và chia sẻ về trạng thái phân ly, biến nó trở thành một cụm từ “hot”.

Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, hiện tượng phân ly được định nghĩa là “sự mất kết nối giữa suy nghĩ, ký ức, cảm xúc, hành động, hoặc cảm giác về bản thân của một người”. Phân ly cũng là một thuật ngữ về chủ đề sức khoẻ tâm thần được nhiều người quan tâm trên TikTok, với 703 triệu video gắn hashtag #dissociation (#phân_ly).

Mặc dù những mô tả trong những video dài 07 giây không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng việc đưa thuật ngữ này vượt ra khỏi phạm vi của bối cảnh lâm sàng và đặt trong những bối cảnh “đời thường” hơn, cũng có thể có một vài mặt tích cực.

Về bản chất, sự phân ly là một cơ chế phòng vệ (defense mechanism), nhưng hiện tượng này có thể xuất hiện trong những tình huống vô hại, thường nhật, cũng như là kết quả của những sang chấn tâm lý nghiêm trọng. Để hiểu hơn về hiện tượng phân ly, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với TS. Rebecca Scherman, một nhà tâm lý học lâm sàng công tác tại thành phố New York (Mỹ), đồng thời là một chuyên gia về sang chấn và phân ly.

Dưới đây là 05 điều có thể bạn cần biết về hiện tượng phân ly:

1. Trạng thái phân ly giúp chúng ta tạm thời trốn chạy khỏi thế giới thực tại

Thật khó để miêu tả chính xác trạng thái phân ly, khi mỗi người sẽ có những trải nghiệm đa dạng và khác biệt với trạng thái này. TS. Scherman cho rằng, rất nhiều chuyên gia về sức khoẻ tâm thần nhìn nhận trạng thái này như một thể liên tục (continuum). “Có rất nhiều hiện tượng phân ly lành mạnh diễn ra ở đầu này của phổ [phân ly], và ở đầu bên kia, đó là hiện tượng phân ly bệnh lý (pathological dissociation), và khoảng cách giữa hai đầu là vô cùng lớn,” bà chia sẻ.

Hiện tượng phân ly lành mạnh là cách mà não bộ nghỉ ngơi trước những tác nhân như căng thẳng và buồn chán. Tiến sĩ Scherman chia sẻ, thôi miên có thể đưa bạn vào trạng thái phân ly, nhưng việc sử dụng ma túy cũng vậy; rối loạn ăn uống hay một số hành vi tự hại cũng được coi là một trong những cơ chế phân ly ở một số người, dù chúng không hề lành mạnh.

Nhìn chung, ở bất kỳ vị trí nào trên “phổ” phân ly, các hành vi được ghi nhận khi mọi người ở trạng thái phân ly thường giúp cho bản thân họ được tạm thời “ngắt” kết nối khỏi những cảm xúc và suy nghĩ của họ, và đôi khi là “ngắt” kết nối khỏi chính cơ thể của họ. Theo TS. Scherman, những hành vi được cho là tự hại (self-harm) cũng có thể đóng vai trò như một “lối tắt”, hoặc “cánh cổng” đến trạng thái phân ly, giúp cho cá nhân đạt tới trạng thái mất kết nối.

>>> Đọc thêm: Thôi miên là gì?

2. Phần lớn mọi người đều rơi vào trạng thái phân ly ở một thời điểm nào đó

Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, khoảng 75% dân số sẽ rơi vào trạng thái phân ly ít nhất một lần trong đời. Một số hình thức phổ biến và vô hại của phân ly bao gồm việc mơ mộng giữa ban ngày (daydreaming) và trạng thái đắm chìm vào một quyển sách, hay một bộ phim.

“Hoặc có thể đó là khoảnh khắc bạn không nhớ mình vừa đi hết một đoạn đường cao tốc dài, bởi tâm trí của bạn đã “lạc trôi” ở đoạn đường nào đó rồi,” TS. Scherman chia sẻ. (Hiện tượng này cũng được gọi là “thôi miên trên cao tốc”, khi tâm trí bạn rơi vào trạng thái “tự động” – automaticity, khi bạn đang thực hiện một việc gì đó mà không chủ tâm nghĩ về nó, bởi tâm trí bạn đang tập trung vào một việc gì đó khác.

hien-tuong-phan-ly-house-of-hypnosis-dissociation

3. Hiện tượng phân ly khác với rối loạn phân ly!

Rối loạn phân ly (dissociative disorder) thực ra là một rối loạn tâm lý vô cùng hiếm gặp, ảnh hưởng tới 2% tổng dân số tại Hoa Kỳ, và những người được chẩn đoán gặp rối loạn phân ly khi trạng thái này đã gây ra những tác động nghiêm trọng tới cuộc sống thường ngày của họ. Một số ví dụ về rối loạn phân ly có thể được tìm thấy trong DSM bao gồm:

Chứng mất trí nhớ phân ly (dissociative amnesia)

Chứng mất trí nhớ phân ly có đặc trưng ở việc không thể nhớ những chi tiết quan trọng về bản thân. Thông thường, chứng mất trí nhớ gắn liền với một sự kiện hoặc khoảng thời gian đau thương. Chứng mất trí nhớ có thể diễn ra chỉ trong vài phút hoặc kéo dài tới nhiều năm. Một loại mất trí nhớ phân ly điển hình là rối loạn phân ly bỏ nhà ra đi (dissociative fugue), khi người mắc có thể đi du lịch hoặc đi lang thang một cách đột ngột và bất ngờ. Họ có thể thức dậy ở một nơi xa lạ mà không nhớ mình đã đến đó kiểu gì.

Rối loạn giải thể nhân cách (depersionalization/derealization disorder)

Rối loạn giải thể nhân cách có biểu hiện đặc trưung ở cảm giác đang ở bên ngoài cơ thể của chính mình, hoặc cảm giác mọi người và mọi vật xung quanh không có thật. Những cảm giác này thường bắt gặp trước tuổi 16 và người mắc rối loạn có nguy cơ tái phát khi lớn lên. Theo TS. Scherman, những người trải qua cảm giác này thường nhận thức được việc đây là một tình trạng “bất thường” – do đó, họ thường không bị mất ý thức với thực tại (Đây là điểm khác biệt giúp nhà tâm lý phân biệt được triệu chứng của rối loạn này với một cơn rối loạn tâm thần – psychotic break, theo TS. Scherman).

Rối loạn nhân dạng phân ly (dissociative identity disorder – DID)

Rối loạn nhân dạng phân ly, thường được biết với cái tên “nổi tiếng” khác – rối loạn đa nhân cách (multiple personality disorder), là một rối loạn phức tạp mà không nhiều người thực sự hiểu về nó. “Thậm chí nhiều chuyên gia về sức khoẻ tâm thần vẫn gặp khó khăn trong việc nhận diện và chẩn đoán rối loạn nhân dạng phân ly, bởi chúng ta không được dạy nhiều về những sang chấn phức tạp trong các chương trình đào tạo bậc cao học,” TS. Scherman chia sẻ. Rối loạn nhân dạng phân ly có biểu hiện đặc trưng ở việc có hai hoặc nhiều trạng thái tính cách riêng biệt với những hành vi, suy nghĩ và giọng nói khác nhau. Người mắc rối loạn nhân dạng phân lý thường có những khoảng trống liên tục trong trí nhớ.

Các tác giả trong một nghiên cứu vào năm 2022 về các rối loạn phân lý cho rằng, họ mong công trình của họ có thể đóng góp tích cực trong việc xoá bỏ các định kiến, mà còn ngăn ngừa tình trạng chẩn đoán sai (misdiagnosis). Đồng tác giả chính, ThS. Milissa Kaufman, tiến sỹ, giám đốc chương trình nghiên cứu về chấn thương và rối loạn phân lý tại Bệnh viện McLean chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng công trình này sẽ giúp nâng cao nhận thức về các triệu chứng phân ly – và từ đó, các nhà trị liệu có thể đánh giá và cân nhắc giữa các triệu chứng, cũng nhưng kết nối thân chủ/bệnh nhân với phương pháp điều trị kịp thời, phù hợp”.

4. Hiện tượng phân ly thường có mối liên hệ với các sang chấn trong quá khứ

“Hầu hết chúng ta sinh ra đều có khả năng phân ly”, TS. Scherman chia sẻ: Một số người có khả năng rơi vào trạng thái phân ly tốt hơn những người khác, “Và rồi, những trải nghiệm chúng ta có được trong cuộc sống có thể giúp củng cố khả năng đó, mặc dù đôi khi chúng có thể phát triển thành tâm bệnh. Ví dụ, nếu một đứa trẻ đang bị lạm dụng và chúng cần tìm cách để trốn chạy khỏi những gì đang xảy ra ở nhà để có thể đến trường, chúng sẽ phát triển cơ chế phân ly”. Hiện tượng phân ly phát triển từ các sang chấn tâm lý có tác động lớn hơn ở phụ nữ, và luận điểm này được củng cố mạnh mẽ trong một nghiên cứu năm 2022, được công bố trên tạp chí Neuropsychopharmacology.

Đối với một người đang trải qua những trải nghiệm đau thương, tình trạng phân ly có thể là một công cụ sinh tồn hiệu quả. TS. Scherman giải thích: “Bác sỹ tâm thần Frank Putnam mô tả trạng thái phân ly mở ra lối thoát cho con người khi họ cảm thấy không còn lối thoát. …Trạng thái phân ly giúp con người vượt qua những hoàn cảnh ngoài sức tưởng tượng, có thể vô cùng nguy hiểm và có yếu tố lạm dụng. Khi đó, não bộ đang bảo vệ con người bằng việc tránh cho chúng ta trải nghiệm đầy đủ những gì đang xảy ra ở thời điểm hiện tại”.

Mặc dù tình trạng phân ly có thể hữu ích trong nhiều thời điểm, nhưng về lâu dài, sự phân ly nghiêm trọng sẽ làm thay đổi phản ứng sợ hãi thông thường của một người. TS. Scherman cho biết: “Tất cả chúng ta đều đi khắp thế giới, tìm ra các khuôn mẫu và đánh giá xem chúng và an toàn hay nguy hiểm. …Nhưng đối với những người có tiền sử sang chấn tâm lý, trạng thái này có thể thúc đẩy phản ứng nhạy cảm quá độ (hyperarousal) hoặc giảm hưng phấn (hypoarousal)”. Điều đó có nghĩa là (trong ghi chú của Cliff): Trở nên nhạy cảm quá mức hoặc không có khả năng đánh giá đúng và đủ tình trạng hiện tại.

Ví dụ, một cựu chiến binh có thể rất nhạy cảm với những mối nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh họ và dễ bị hoảng loạn hoặc hồi tưởng lại. Nếu bạn đã từng nghe về phản ứng chiến-hay-chạy, bạn sẽ hiểu về sự nhạy cảm quá độ này.

Trong khi đó, ở trạng thái giảm hưng phấn (hypoarousal), hệ thống cảnh báo của cơ thể đã bị “vô hiệu hoá” hoàn toàn. Hệ thống thần kinh khi đó chứa đầy những thứ linh tinh cần xử lý, khiến con người trở nên tê liệt (numb) – và có nhiều khả năng đặt mình vào những tình huống nguy hiểm. Điều này cũng được biết đến như là phản ứng đóng băng (freeze response).

“Khi con người rơi vào trạng thái “sập nguồn” (shut down), họ không thể đánh giá những mối nguy xung quanh một cách khách quan. Hệ thống của họ hoàn toàn bị choáng ngợp” TS. Scherman chia sẻ. “Tôi thường nói với bệnh nhân về tình trạng này, đó là khi bạn trải qua chấn thương hoặc tình huống nguy hiểm, bạn đã học được qua thực tế rằng nguy hiểm có thể rình tập ở mọi ngóc ngách. Vì vậy, bạn đã tự phát triển một hệ thống cảnh báo sớm”.

Điều này nghe có vẻ khác thường, nhưng đây là lý do tại sao hiện tượng phân ly ở dạng hyper/hypo-arousal có thể khiến nhiều người nhanh chóng kiểm tra và đánh giá tình hình xung quanh, chìm trong nỗi sợ, và cuối cùng rơi vào trạng thái đầy nghi hoặc và nhạy cảm cao độ.

5. Để vượt qua chứng rối loạn phân ly, chúng ta cần bắt đầu bằng lòng tin

Theo TS. Scherman, một số phương pháp trị liệu tập trung vào xử lý các sang chấn tâm lý, như là liệu pháp EMDR đang thịnh hành hiện nay. Tuy nhiên, không có giải pháp nhanh chóng nào để điều trị “dứt điểm” một sang chấn phức tạp.

“Những người từng trải qua sang chấn thời thơ ấu và mắc PTSD phức tạp thường chống chỉ định thực hiện EMDR. Đó là điều tồi tệ nhất mà ai đó có thể làm vì nhiều lý do”, TS. Scherman chia sẻ, “Hiện tượng phân ly cần được hiểu như một cơ chế bảo vệ. Nhà trị liệu không thể phá bỏ hàng rào bảo vệ của thân chủ, khi việc đó có thể làm đảo lộn chức năng trong tâm trí của thân chủ. Tôi đã chứng kiến rất nhiều thân chủ phải nhập viện do điều trị sai cách”.

Vậy thì, đâu là cách tiếp cận đúng đắn cho việc điều trị các rối loạn phân ly? Theo TS. Scherman, ta có thể bắt đầu từ việc tìm một nhà trị liệu hiểu rõ về các sang chấn mang tính phát triển và PTSD, “người mà thân chủ có thể thấy tin tưởng”. Việc đi thẳng vào một phương pháp điều trị cụ thể có thể gây phản tác dụng. 

“Ai đã từng trải qua sang chấn một mức độ nhất định thời thơ ấu sẽ không dễ dàng tin tưởng người khác”, TS. Scherman chia sẻ: “Việc trị liệu sẽ không đem lại hiệu quả nếu nhà trị liệu bỏ qua thông tin đó, và cho rằng đó không phải là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết – Hãy nhớ rằng mọi ngôi nhà luôn được xây từ móng. Khi thân chủ và nhà trị liệu có thể thiết lập mối quan hệ lành mạnh, nhà trị liệu mới có thể vạch ra một lộ trình điều trị hiệu quả”.

Bài viết được dịch từ nguồn: Christine Richmond – Everybody’s Talkin’ About Dissociation. But What Is It, Exactly? clubmental.com

Về House of Hypnosis

House of Hypnosis Vietnam là dự án chia sẻ kiến thức khoa học về Thôi miên Trị liệu (Hypnotherapy) và sức khoẻ tâm thần (mental health) cho người trẻ Việt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bài viết khác

error: Nội dung thuộc sở hữu của House of Hypnosis. Vui lòng không sao chép, in ấn, lưu trữ khi chưa có sự cho phép của đội ngũ chúng tôi. Cảm ơn bạn.