Giải mã Giấc mơ #2: Phân tích giấc mơ theo Sigmund Freud

phan-tich-giac-mo-theo-signmund-freud-house-of-hypnosis-vietnam

Bài viết đầu tiên của serie Giải mã giấc mơ đã giới thiệu đến bạn đọc góc nhìn đa chiều về giấc mơ và cách mà các chuyên gia hiểu về chúng. Trong bài viết lần này, ta cùng tìm hiểu về cách phân tích giấc mơ theo trường phái phân tâm. Cụ thể, ta sẽ cùng đi theo Sigmund Freud – cha đẻ của ngách phân tâm – và khám phá điều gì đã truyền cảm hứng cho cách ông lý thuyết hoá việc diễn giải giấc mơ.

Mục Lục

    Vài nét tiểu sử về Sigmund Freud

    Signmund Freud (1856-1939) là bác sỹ thần kinh và là nhà tâm lý học người Áo. Ông được coi là “cha đẻ” của ngách phân tâm học (psychoanalysis) – một phương pháp lâm sàng giúp đánh giá và điều trị bệnh lý trong tâm thức (psyche) thông qua đối thoại giữa nhà tâm lý và thân chủ.

    Freud còn là tác giả của nhiều tác phẩm kinh điển đã gây ảnh hưởng lớn tới lĩnh vực tâm lý học hiện đại có thể kể đến như Giải mã giấc mơ (The Interpretations of Dreams, 1899), Cái Tôi và Cái Nó (The Ego and the Id, 1923), Văn Minh Và Những Bất Mãn Từ Nó (Civilization and Its Discontents, 1930),… Các đóng góp của Freud tạo ra tiền đề vững chắc cho các nghiên cứu của một số nhà phân tâm học thế hệ sau như Mélanie Klein, Anna Freud, vv.

    phan-tich-giac-mo-theo-sigmund-freud-2
    Chân dung Sigmund Freud. Nguồn: google.com

    Trước khi phát triển trong lĩnh vực tâm lý, Sigmund Freud đã dành 9 năm học Y tại Vienna (Áo). Sau khi nhận chứng chỉ hành nghề, ông đã có cơ hội gặp gỡ và làm việc cùng những chuyên gia truyền cảm hứng cho những nghiên cứu sau này của mình. Bước ngoặt trong sự nghiệp của Freud đã xảy ra vào năm 1885, khi ông rời Vienna sang Paris (Pháp) để theo đuổi nghiên cứu về bệnh học thần kinh (neuropathology) và làm việc dưới sự hướng dẫn của bác sỹ Jean-Martin Charcot. Công việc của bác sỹ Charcot với các bệnh nhân được chẩn đoán mắc hysteria đã gợi mở cho Freud những ý tưởng về việc các rối nhiễu tâm lý được bắt nguồn từ tâm trí thay vì chỉ trong não bộ.

    Sau đó, Freud quay lại Berlin (Đức), dành phần lớn thời gian để nghiên cứu ca của Anna O* cùng với Joseph Breuer. Sau đó, bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX, ông bắt đầu phát triển những lý thuyết nền tảng của phân tâm học, trong đó có những nghiên cứu về vô thức và giấc mơ.

    *Anna O là tên gọi khác của Bertha Pappenheim, một bệnh nhân của bác sỹ Josef Breuer. Cô được nhắc tới trong tác phẩm Nghiên cứu về Hysteria do Breuer và Freud cùng chắp bút. Ca của Anna O được ghi nhận với các triệu chứng như rối loạn thị giác (visual disturbances), ảo giác (hallucinations), liệt một phần (partial paralysis) và rối loạn ngôn ngữ (speech problems). Breuer đã chẩn đoán Anna O mắc hội chứng hysteria và sau đó thảo luận về ca bệnh này với Freud – người sau đó đã phát triển ý tưởng về nguyên nhân gốc rễ trong vấn đề của cô. Anna O được Sigmund Freud mô tả như là “người sáng lập thật sự của trường phái phân tâm học”, khi quá trình điều trị cho cô đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển ngách phân tâm.

    Sigmund Freud và giấc mơ

    Xuyên suốt con đường sự nghiệp của mình, Freud đã nhận không ít lời chỉ trích (Fitzgerald, 2019). Đặc biệt vào khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Krafft-Ebing, một bác sĩ tâm thần từng đạt giải Nobel, đã nhận xét rằng phân tâm học là một “chuyện cổ tích có tính khoa học”. Những năm sau đó, những lý thuyết của Freud, bao gồm nghiên cứu về giấc mơ, cũng bị “cáo buộc” là nguồn khoa học không thích hợp và có nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ về tiểu sử của ông, chúng ta sẽ nhận thấy rằng các lý thuyết về vô thức và cách phân tích giấc mơ theo Sigmund Freud đều dựa trên “cơ sở khoa học”. 

    Trên thực tế, trong quá trình học y, Freud đã có cơ hội theo Theodore Meynert, người giảng dạy bộ môn tâm lý học thần kinh và thực hiện các nghiên cứu về sự liên quan giữa cảm xúc và não bộ. Qua những cuộc trao đổi với người thầy của mình, Freud đã học về giải phẫu não bộ (Damon, 2006) và từ đó xây dựng thuật ngữ “tâm trí” (psychic apparatus) dựa trên nền tảng của tâm lý học thần kinh (Marcaggi & Guénolé, 2018). 

    tam-ly-hoc-than-kinh-dien-giai-giac-mo

    Chú thích: Theo tâm lý học thần kinh, ta có tiên đề sau: 

    Hệ thống thần kinh tiếp nhận một lượng năng lượng nhất định thông qua đường cảm giác (sensory neuron). Năng lượng được xử lý ở hệ thống thần kinh trung ương (CNS – central nervous system) và cuối cùng được “giải toả” (discharge) đến đường vận động (motor neuron).

    Dựa theo lý thuyết này, Freud cho rằng tâm trí cũng là một bộ máy (theo nghĩa cơ học) có khả năng xử lý các kích thích (excitation) (“Psychic Apparatus,” n.d.)

    Ngoài ra, cũng như các nhà khoa học đương thời, Freud là người ủng hộ Darwin. Theo thuyết tiến hoá, Freud cho rằng tâm trí cũng như giấc mơ mang chức năng sống còn. 

    Vai trò của giấc mơ theo Sigmund Freud

    Giúp giải toả các xung năng

    Đầu tiên, như đã giải thích trước đó, giấc mơ là một trong những con đường giúp “giải toả” những xung năng (impulse/pulsion), những ý nghĩ mang tính bạo lực và khiêu dâm đã từng bị kìm hãm bởi cái Siêu Tôi (superego/surmoi). Nói cách khác, các phân tích giấc mơ theo Sigmund Freud cho rằng chúng có chức năng làm giảm sự tích tụ kích thích (excitation) đến từ Cái Nó (id/ça) và bảo vệ giấc ngủ.

    Là một sự đầu tư vào tâm trí

    Freud giải thích rằng giấc mơ là một dạng của thu mình ái kỷ (narcissistic withdrawal/repli narcissique) (Dumitrescu, 2019). Theo sách tổng hợp từ vựng của phân tâm học (Laplanche & Pontalis, 2007), narcissism được giải thích là “sự đầu tư vào tâm trí” (psychic investment).

    Sigmund Freud cho rằng khi mơ chúng ta thu mình khỏi thế giới bên ngoài và “tập trung” vào những gì xảy ra trong tâm trí. Nói cách khác, giấc mơ có tính chất “thoái lui” (regression), và trong quá trình đó, năng lượng không thể được giải tỏa qua đường vận động mà đi ngược lại “con đường”, quay lại dưới dạng “ảo giác” (hallucination). Ngoài ra, theo Freud, giấc mơ là một minh họa điển hình liên quan đến chức năng biểu tượng (represent) của tâm trí. 

    **Chức năng biểu tượng là khả năng biểu tượng lại trong tâm trí những thứ đang “thiếu vắng” (absent). Tương tự, khi mơ chúng ta thu mình khỏi thế giới để có thể “tái tạo” nó trong tâm trí dưới dạng “ảo giác”. 

    Nguồn: @LockdownDreams từ Twitter

    Tiếp cận với thế giới vô thức

    Như đã giải thích trước đó, giấc mơ đối với những nhà phân tâm là một nguồn thông tin dồi dào dẫn đến vô thức. Bằng cách nghiên cứu giấc mơ và các tính chất liên quan (ví dụ như hiện tượng giấc mơ lặp lại nhiều lần, v.v), các chuyên gia có thể tiếp cận đến những ý nghĩ bị kìm nén bởi Siêu Tôi, từ đó tìm thêm thông tin hữu ích cho quá trình trị liệu. Đồng thời, việc phân tích giấc mơ sẽ giúp thân chủ hiểu thêm về mong muốn “thực sự” của mình, vì theo Freud, chỉ có thân chủ mới có khả năng gán ý nghĩa cho những chi tiết trong giấc mơ.

    Dù vậy, để hiểu được ý nghĩa của giấc mơ, các thân chủ trong các ca trị liệu tâm lý nói riêng hoặc bất kỳ ai trong chúng ta cần được dẫn dắt bởi một chuyên gia được đào tạo và sử dụng thành thục các kỹ thuật phân tích. Cùng với đó, việc có một mục đích rõ ràng trong việc khám phá ý nghĩa giấc mơ cũng đóng vai trò quan trọng để ta bắt đầu một hành trình ý nghĩa trong việc tìm hiểu về thế giới nội tâm của mình.

    Cách phân tích giấc mơ theo Sigmund Freud

    Để hiểu rõ về các kỹ thuật phân tích giấc mơ, đầu tiên ta cần hiểu về cách mà giấc mơ hình thành. Trong tác phẩm Giải Mã Giấc Mơ, Freud cho rằng quá trình này là sự chuyển hoá nội dung tiềm ẩn (latent content) thành nội dung biểu hiện (manifest content). Trong quá trình chuyển hoá, tâm trí sẽ “vận dụng” những cơ chế đặc biệt như cô đọng, dịch chuyển, biểu tượng hoá và sắp xếp lại để tạo ra nội dung như ta thấy trong giấc mơ. Ông cũng giải thích thêm rằng các bước cô đọng, dịch chuyển và biểu tượng hoá chính là những “luật lệ” chi phối vô thức.

    giai-ma-giac-mo-hinh-thanh-sigmund-freud-dreamworks

    Về quá trình phân tích giấc mơ, Freud cho rằng chúng ta phải bắt đầu từ những chi tiết liên quan đến nội dung của giấc mơ để phân tích ý nghĩa ẩn sau chúng (Dumitrescu, 2019). Để giải mã chúng, chúng ta phải chia nhỏ những chi tiết trong giấc mơ và sử dụng kỹ thuật liên kết tự do (free association) để xác định ý nghĩa ẩn. Hay nói cách khác, cách phân tích giấc mơ theo Sigmund Freud đi ngược lại với cách giấc mơ được hình thành.

    Kết luận

    Bất chấp các lời chỉ trích, ta vẫn có thể thấy Sigmund Freud là một “nhà khoa học” chân chính thông qua các công trình và sự ảnh hưởng của ông lên nhiều thế hệ nhà khoa học về sau. Chính những kiến thức từ tâm lý học thần kinh và giải phẫu não bộ đã tạo nên tiền đề quan trọng giúp Freud khái niệm hoá vô thức và giấc mơ. Theo ông, giấc mơ là một quá trình được thực hiện bởi tâm trí giúp làm giảm thiểu sự tích tụ kích thích và cần thiết cho sự sống còn của loài người. Trong trị liệu tâm lý, nội dung của giấc mơ là một thông tin giá trị giúp nhà trị liệu hiểu hơn về vấn đề, mong muốn, hay các nguyên nhân gốc rễ cho các xung đột nội tâm của thân chủ.

    phan-tich-giac-mo-theo-sigmund-freud-5
    Nguồn: google.com

    Để phân tích giấc mơ, Freud cho rằng chúng ta phải chia nhỏ những chi tiết và sử dụng một số kỹ thuật đặc thù. Để biết thêm về ứng dụng của giải mã giấc mơ trong trị liệu tâm lý, House Of Hypnosis xin mời bạn đọc theo dõi bài viết tiếp theo của serie. 

    Phân tâm học và phân tích giấc mơ là những chủ đề khó mà đội ngũ House of Hypnosis sẽ còn ghi nhận nhiều thiếu sót trong việc biên tập và phát triển nội dung. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi rất vui nếu được nhận những phản hồi, góp ý mang tính xây dựng từ độc giả thông qua email hoặc comment bên dưới bài viết.

    Tham khảo

    1. Anna O. and Her Influence on Psychoanalysis. (2020, April 24). Verywell Mind. https://www.verywellmind.com/who-was-anna-o-2795857
    2. Damon, J. (2006). La pensée de. . . – Sigmund Freud (1856 – 1939). Informations Sociales, n° 131(3), 37–37. https://doi.org/10.3917/inso.131.0037
    3. Dumitrescu, M. (2019). Revealing the Unconscious through Dreams in Sigmund Freud’s Psychoanalysis. Postmodern Openings, 10(4), 144–152. https://doi.org/10.18662/po/99 
    4. Fitzgerald, M. (2019, September). Sigmund Freud and his Critics – From 1896. ResearchGate. Retrieved December 4, 2022, from https://www.researchgate.net/publication/336128964_Sigmund_Freud_and_his_Critics_-_From_1896Master 
    5. Jay, M. E. (2022, November 22). Sigmund Freud | Biography, Theories, Psychology, Books, Works, & Facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/biography/Sigmund-Freud
    6. Marcaggi, G., & Guénolé, F. (2018). Freudarwin: Evolutionary Thinking as a Root of Psychoanalysis. Frontiers in Psychology, 9. https://doi.org/10.3389/fpsyg.2018.00892 
    7. Psychic Apparatus. (n.d.). In encyclopedia.com. Retrieved November 26, 2022, from https://www.encyclopedia.com/psychology/dictionaries-thesauruses-pictures-and-press-releases/psychic-apparatus 
    8. RÉDaction, L. (2020, August 25). Sigmund Freud : biographie courte de l’inventeur de la psychanalyse. https://www.linternaute.fr/science/biographies/1777980-sigmund-freud-biographie-courte-dates-citations/

    Về House of Hypnosis

    House of Hypnosis Vietnam là dự án chia sẻ kiến thức khoa học về Thôi miên Trị liệu (Hypnotherapy) và Sức khoẻ Tâm thần cho người Việt.

    error: Nội dung thuộc sở hữu của House of Hypnosis. Vui lòng không sao chép, in ấn, lưu trữ khi chưa có sự cho phép của đội ngũ chúng tôi. Cảm ơn bạn.